Báo cáo kết quả rà soát về quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng không còn phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ

Hữu Hòe

Theo Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, vào tháng 9/2025, phải báo cáo tình hình triển khai Đề án "Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật vừa ký Quyết định số 47/QĐ-BCĐRSTCTHXLVMHTPL ngày 29/4/2025 ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Ban Chỉ đạo này.

Mục đích của việc ban hành Kế hoạch nhằm xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại Phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo. Ảnh: MOJ
Phó Thủ tướng Lê Thành Long - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại Phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo. Ảnh: MOJ

Đồng thời tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024; Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/6/2024 về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024; Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 7/2/2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025.

Theo Quyết định, triển khai Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 5/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật", Cơ quan chủ trì Đề án này là Bộ Tư pháp và thực hiện trong cả năm 2025.

Tổ chức Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến đối với kết quả rà soát, phương án xử lý đối với các quy định có tính chất hạn chế quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo thành "rào cản", gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (không quản được thì cấm); kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và các kiến nghị, đề xuất theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước… Đơn vị chủ trì là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và thực hiện trong tháng 6/2025.

 

Theo Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Ban Chỉ đạo, tổ chức các phiên họp bất thường của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về các vấn đề đột xuất, phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tổ chức Phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến đối với các nội dung: Báo cáo kết quả rà soát, phương án xử lý đối với các quy định, nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không còn phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ; báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án "Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật"; kết quả rà soát văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được quy định tại Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013. Đơn vị chủ trì là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và thực hiện trong tháng 9/2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Nhóm giúp việc căn cứ nội dung Kế hoạch này, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công và chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao; kịp thời trao đổi, phối hợp với Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để xử lý những khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, xử lý…