Báo chí, xuất bản: Giảm thuế không giảm thu ngân sách
(Tài chính) Một trong các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lần này là mức thuế suất áp dụng đối với các cơ quan báo chí, xuất bản - loại hình sản xuất, kinh doanh đặc thù, tạo ra sản phẩm văn hóa mà giá trị không thể cân đong đo đếm được.
Có 3 vấn đề mà Luật thuế TNDN sửa đổi, bổ sung liên quan đến công tác báo chí, xuất bản và tác động đến hoạt động báo chí, xuất bản, đó là:
(1) Bổ sung thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật báo chí vào diện được áp dụng thuế suất 10%.
Theo quy định của Luật báo chí thì sản phẩm báo chí là sản phẩm văn hoá. Báo chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao.
Thực tế trong thời gian vừa qua, hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo chí đều bị lỗ, phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Đặc biệt, đối với các báo in, số liệu thống kê trong năm 2011 cho thấy, cả hoạt động phát hành và hoạt động quảng cáo cũng bị lỗ.
Riêng đối với báo hình, là loại hình báo chí phát triển nhất hiện nay, thì ít bị ảnh hưởng hơn báo in (theo số liệu quyết toán thuế năm 2011, chỉ tính riêng 4 đài truyền hình lớn đã nộp thuế TNDN lên tới 536,312 tỷ đồng, trong đó: đài truyền hình Hà Nội nộp thuế TNDN 10,92 tỷ đồng, đài truyền hình Việt Nam nộp 277,971 tỷ đồng, đài truyền hình TP.HCM nộp 154,331 tỷ đồng, đài truyền hình Vĩnh Long nộp 93,090 tỷ đồng).
Hoạt động quảng cáo trên báo khác với các hoạt động quảng cáo khác: trong khi các doanh nghiệp trích kinh phí để quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của mình, thông qua đó tiêu thụ được sản phẩm, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp... thì hoạt động quảng cáo trên báo (cho chính cơ quan báo chí của mình) chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động quảng cáo nói chung của xã hội. Thực chất, quảng cáo trên báo chí chủ yếu là hậu trường cho quảng cáo của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp thị với người tiêu dùng... Nội dung quảng cáo trên báo phải hay, hấp dẫn độc giả mới thu hút được lượng bạn đọc cao và thu hút được các doanh nghiệp đến quảng cáo, qua đó, các cơ quan báo chí mới tạo được doanh thu. Mặt khác, quảng cáo trên báo cũng bị giới hạn về diện tích, khuôn khổ và thời lượng, không thể quảng cáo vô hạn, đồng nghĩa với việc không thể thu được doanh thu dễ dàng....
Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo trong hoạt động báo in, tạo điều kiện giúp cơ quan báo có nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 13 Luật Thuế TNDN theo hướng bổ sung quy định thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí (được thành lập và hoạt động theo Luật báo chí) được áp dụng mức thuế suất 10% (những hoạt động khác của cơ quan báo chí như chuyển nhượng bất động sản, tổ chức sự kiện, kinh doanh khách sạn, du lịch... thì nộp theo mức thuế suất quy định chung đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các loại hình tương tự).
Tuy nhiên, mức thuế suất ưu đãi 10% chỉ áp dụng với loại hình báo in, không áp dụng đối với các loại hình báo chí khác (báo hình, báo nói, báo điện tử), lý do:
- Trên thực tế, các loại hình báo khác ít gặp khó khăn hơn báo in, thậm chí còn có lãi lớn và đóng góp không nhỏ cho NSNN;
- Áp dụng thuế suất 10% đối với các đài truyền hình thì ngân sách sẽ bị giảm thu lớn. Nếu áp dụng từ năm 2014, so với thuế suất 25% hiện nay, khi đưa xuống 10%; chỉ tính riêng 4 đài truyền hình lớn (đài truyền hình Việt Nam, truyền hình Hà Nội, truyền hình TP.HCM và truyền hình Vĩnh Long) thì thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 460 tỷ đồng;
- Hiện nay các đài truyền hình đang thực hiện cơ chế riêng theo hướng dẫn tại Thông tư 55/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính và không có kiến nghị gì về ưu đãi thuế TNDN;
- Từ trước đến nay, Nhà nước vẫn quan tâm xem xét áp dụng chính sách ưu đãi hơn đối với báo in, do đặc thù của loại hình báo này. Các cơ quan báo in lâu nay cũng đang kiến nghị Nhà nước xem xét để giảm thuế TNDN hoặc cho phép các đơn vị có xuất bản báo chí in được cấp lại phần tiền thuế TNDN thực nộp vào ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất (từ năm 2003 trở về trước, các cơ quan báo in được để lại phần thuế TNDN thực nộp này, trong khi các cơ quan báo ngoài báo in có thu nhập từ dịch vụ quảng cáo, kinh doanh dịch vụ vẫn thực hiện nộp thuế TNDN theo mức thuế suất 32%). Vấn đề này đã được Cơ quan làm chính sách quan tâm và đến nay đã đề nghị Chính phủ chỉnh sửa.
Nội dung sửa đổi được thể hiện tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật.
(2) Bổ sung thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật xuất bản vào diện được áp dụng thuế suất 10%.
Thực tiễn trong các năm qua thì các đơn vị hoạt động xuất bản, đặc biệt là các nhà xuất bản đang gặp nhiều khó khăn do vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng, vừa phải thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh để tồn tại và phát triển. Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản từng bước phát triển, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với phần thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 122/2011/NĐ-CP.
Để đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch và nâng cao tính pháp lý, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Luật thuế TNDN theo hướng bổ sung quy định thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật xuất bản được áp dụng thuế suất 10%.
Nội dung sửa đổi được thể hiện tại khoản 6 Điều 1 của Dự thảo Luật.
(3) Về chi quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán
Điểm n khoản 2 Điều 9 Luật thuế TNDN quy định không tính vào chi phí được trừ đối với “Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ; đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập...".
Thực hiện quy định nêu trên có nhiều ý kiến, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại tại Luật thuế TNDN hiện hành là không còn phù hợp với thực tế, cần được điều chỉnh cao hơn so với hiện hành, bởi vì, trong bối cảnh kinh tế hội nhập, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt hơn ở cả trong và ngoài nước, doanh nghiệp cần phải tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường.
Mặt khác, qua rà soát các khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại bị khống chế cho thấy có một số khoản chi về bản chất là chi phí tài chính, chi phí về vốn (như chi chiết khấu thanh toán) nhưng Luật hiện hành đang được xếp vào khoản chi quảng cáo, khuyến mại thuộc diện khống chế chi phí là chưa phù hợp.
Để phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng bản chất của khoản chi, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi nội dung điểm n khoản 2 Điều 9 Luật thuế TNDN, theo đó nâng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo, khuyến mại lên 15%, đồng thời rà soát loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế.
Đó cũng là một hướng mở, tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan báo chí, xuất bản, vì doanh thu của các cơ quan báo, chí xuất bản dựa chủ yếu vào phần thu hút quảng cáo. Theo tính toán, chi phí quảng cáo không phải là khoản chi mất đi mà thực tế là khoản chi làm tăng lợi nhuận rất hiệu quả cho doanh nghiệp. Đặc biệt, quảng cáo trực tuyến (trên tivi, trên mạng...) là hình thức marketing nhanh nhất, hấp dẫn, thu hút được người dân quan tâm nhất hiện nay. Với 1 đồng quảng cáo sẽ mang lại hàng trăm đồng lợi nhuận, do vậy, không doanh nghiệp nào bỏ qua lợi ích này... cũng nhờ đó, các cơ quan báo chí truyền thông mới tăng được nguồn thu, tạo thêm tích lũy để tăng cường chất lượng tuyên truyền, quảng bá, tiếp theo đó là tăng khoản thu nộp vào NSNN.
Giảm thuế cho cơ quan báo chí, giúp cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động tốt, vận hành hiệu quả, mang lại lợi ích cho bản thân và lợi ích to lớn hơn cho xã hội, đồng thời, nuôi dưỡng được nguồn thu... Đó chính là sự nhìn xa trông rộng của các nhà làm chính sách, giảm thuế nhưng không giảm thu ngân sách.