6 tháng đầu năm 2016:

Bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 171 nghìn tỷ đồng

PV

Thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Để phát huy hơn nữa vai trò đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội của bảo hiểm, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển toàn diện và bền vững thị trường bảo hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhìn lại thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2016

Tại buổi họp báo ngày 8/8, Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,92% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.580 tỷ đồng (tăng 15%); doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.033 tỷ đồng (tăng 36,78%).

Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng là 16.045 tỷ đồng, trong đó các DNBH phi nhân thọ ước là 7.735 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước là 8.310 tỷ đồng .

Theo đó, lĩnh vực bảo hiểm đã góp phần đầu tư trở lại nền kinh tế với số vốn là 171.171 tỷ đồng, trong đó các DNBH phi nhân thọ đạt khoảng 32.868 tỷ đồng; các DNBH nhân thọ đạt khoảng 138.303 tỷ đồng.

Đánh giá về vai trò của bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đại diện Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm nhấn mạnh, lĩnh vực bảo hiểm đã góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; Góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội; Bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư; Thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; Góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

Giải pháp phát triển toàn diện và bền vững thị trường bảo hiểm

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực bảo hiểm đó là cần tăng cường hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính...

Một là: Hoàn thiện khung khổ pháp luật về bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể, nghiên cứu các chính sách liên quan đến bảo hiểm thiên tai, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm vi mô, bảo hiểm con người từ đó đánh giá khả năng thực thi và xây dựng kế hoạch triển khai đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng và nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia bảo hiểm.

Hai là: Nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH: ban hành các quy định về quản trị rủi ro, quản trị tài chính doanh nghiệp tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp phải kết nối được với các hệ thống chung của thị trường và cơ quan quản lý, giám sát, đáp ứng được các yêu cầu quản trị doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động và yêu cầu giám sát của cơ quan quản lý.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng về mức phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường.

Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, triển khai hệ thống phần mềm quản lý, giám sát trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Bốn là: Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức bộ phận chuyên trách hỗ trợ phòng chống gian lận bảo hiểm, hỗ trợ tư vấn pháp lý, trọng tài.... đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, hỗ trợ thị trường phát triển an toàn, ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.