Bảo hiểm nông nghiệp: "Điểm tựa" cho nhà nông
(Tài chính) Sau hơn một năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, loại hình bảo hiểm mới này đã thu được những thành công nhất định. Đặc biệt, vừa qua các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực khảo sát đền bù, hỗ trợ nông dân tham gia bị thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra. Nhân sự kiện này, Tạp chí Tài chính đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)
Qua hơn một năm triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay việc thí điểm BHNN đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố. Tính đến hết tháng 10/2012, đã có 160.787 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó 85% hộ nghèo), tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 1.845 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 130.518 triệu đồng.
Về bảo hiểm cây lúa, các doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai tại các tỉnh có thế mạnh về trồng lúa như Bình Thuận, Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang… Tổng diện tích trồng lúa đã tham gia bảo hiểm là 36.997 ha; tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 149.502 hộ; tổng giá trị được bảo hiểm hơn 823.255 triệu đồng; tổng số phí bảo hiểm là 35,9 tỷ đồng. Trong quá trình trên đã phát sinh bồi thường tại Nghệ An và Hà Tĩnh là 6 tỷ đồng.
Về bảo hiểm vật nuôi, hiện đã triển khai tại các tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Hà Nội với tổng số vật nuôi tham gia bảo hiểm là: 3.700 con trâu, bò; 179.800 con lợn và 821.000 con gia cầm; tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 7.362 hộ; tổng giá trị được bảo hiểm 186.378 triệu đồng; tổng số phí bảo hiểm là 12.259 triệu đồng; đã phát sinh bồi thường 23 triệu đồng.
Về lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, hiện các loại hình BHNN đã đến với các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau với tổng diện tích tham gia bảo hiểm là 1.032 ha; tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 3.923 hộ; tổng giá trị được bảo hiểm là 836.34 triệu đồng; tổng số phí bảo hiểm là 82.288 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, đã phát sinh bồi thường 35.854 triệu đồng.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện và triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là gì, thưa ông?
Thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm BHNN theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai loại hình bảo hiểm này là hết sức đúng đắn. Đây là loại hình bảo hiểm không chỉ góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân mà còn thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Do đó, từ khi triển khai thực hiện, chủ trương này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của các cấp chính quyền địa phương cũng như người dân. Các tỉnh, thành được lựa chọn làm thí điểm với các sản phẩm cây lúa, chăn nuôi, thuỷ sản là những mặt hàng sản xuất nông nghiệp quan trọng, phù hợp với điều kiện, đặc thù sản xuất nông nghiệp, phân bố dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai ký kết các hợp đồng BHNN không đơn giản như suy nghĩ bởi nhiều nguyên nhân như công tác tuyên truyền không đến nơi đến chốn, người dân chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của chương trình.
Công tác phối hợp giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với địa phương trong việc vận động người dân tham gia và công tác bồi thường thế nào, thưa ông?
Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tất cả các địa phương đều đã thành lập Ban chỉ đạo thí điểm BHNN do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban, đồng thời đã thành lập Ban chỉ đạo các huyện, xã để thống nhất thực hiện. Theo đó, các Ban chỉ đạo đã chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, chỉ đạo cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn để có điều chỉnh về cơ chế chính sách, cách làm sao cho phù hợp và giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của địa phương trong việc vận động người dân tham gia thí điểm BHNN, tổng hợp số liệu thống kê, theo dõi xác nhận dịch bệnh, đánh giá thiệt hại và bồi thường cho người được bảo hiểm khi tổn thất xảy ra. Đây là nghiệp vụ mới, có nhiều khó khăn, phức tạp song các doanh nghiệp bảo hiểm đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, công tác thí điểm BHNN đã được đông đảo người dân hưởng ứng; việc giải quyết bồi thường cho người dân về cơ bản đảm bảo quy định. Điều này ghi nhận những nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thúc đẩy BHNN sớm “bén rễ” trong đời sống trở thành “điểm tựa” cho người dân tại các địa phương.
Được biết, sau hơn một năm triển khai thí điểm, Bộ Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh cơ chế, chính sách để tăng sức hấp dẫn của loại hình bảo hiểm này. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề trên?
Nhằm tăng sức hấp dẫn đối với BHNN, thời gian qua, Bộ Tài chính đã không ngừng cải tiến cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm chưa phù hợp với thực tiễn ở một số địa phương. Nhằm bảo đảm cao nhất quyền lợi bảo hiểm cho bà con nông dân tham gia, ngày 24/8/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2114/ QĐ-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm BHNN. Quyết định này đã bổ sung vịt nuôi vào đối tượng bảo hiểm vật nuôi và bỏ quy định cá basa thuộc đối tượng bảo hiểm tôm/cá. Quyết định trên cũng mở rộng rủi ro thiên tai được bảo hiểm (giông, lốc xoáy); bổ sung rủi ro dịch bệnh được bảo hiểm đối với trâu, bò (tụ huyết trùng, nhiệt thán), lợn (đóng dấu, phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả), gà, vịt (bệnh Niu-cát-xơn, gumboro và dịch tả - vịt).
Hơn nữa, Quyết định 2114/QĐ- BTC đã làm rõ quy trình xác nhận dịch bệnh, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện giải quyết bồi thường nhanh chóng, chính xác cho người được bảo hiểm. Quyền lợi của người được tham gia bảo hiểm cũng tăng lên khi phí bảo hiểm được điều chỉnh giảm, cụ thể với cây lúa được giảm từ 4,97% đến 20% phí; vật nuôi, giảm từ 10% đến 50% phí... Số tiền bảo hiểm đối với bò sữa là 60 triệu đồng thay cho mức 35 triệu đồng...
Vừa qua, cơn bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề đến cây trồng, vật nuôi tại các tỉnh phía Bắc, công tác chỉ đạo, đền bù thiệt hại cho các hộ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp thế nào, thưa ông?
Để khắc phục hậu quả của cơn bã số 8 tại các tỉnh tham gia thí điểm BHNN, chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh) đi thị sát, nắm bắt tình hình các vùng bị thiệt hại, theo dõi xác nhận, đánh giá thiệt hại lúa vụ mùa và hoa màu để hoàn tất hồ sơ bồi thường thiệt hại cho bà con nông dân. Cho đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt và Bảo Minh đã hoàn tất hồ sơ và dự kiến bồi thường thiệt hại đầy đủ và nhanh chóng cho các hộ dân tham gia thí điểm BHNN trong tháng 11/2012. Tin rằng những sự bồi thường nói trên sẽ giúp bà con nông dân tham gia BHNN nhanh chóng khắc phục hậu quả của cơn bão, vượt qua khó khăn, phục hồi năng lực sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11-2012