Bảo hiểm xã hội bắt buộc: Bao nhiêu năm được hưởng hưu trí?
Bà Nguyễn Thị Nga (TP. Hải Phòng) sinh năm 1971, làm việc trong ngành Giáo dục, đóng BHXH bắt buộc được 19 năm 5 tháng (từ năm 1992 đến tháng 5/2012), sau đó thôi việc, không tham gia tiếp BHXH. Năm nay bà Nga 45 tuổi, bà cần tham gia BHXH tự nguyện bao nhiêu năm nữa thì đủ thời gian nghỉ hưu?
Trường hợp bà Nga đóng đủ 25 năm BHXH (gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) nhưng mới 50 tuổi thì bà có được làm thủ tục nghỉ hưu không? Bà có cần đóng BHXH tự nguyện cho thời gian từ tháng 6/2012 tới nay để đủ thời gian 25 năm hay bà chỉ cần đóng từ tháng 1/2016 cho tới khi đủ 25 năm là năm 2021?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời bà Nga như sau:
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ và Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì: “Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”.
Đối chiếu quy định nêu trên, bà đã tham gia BHXH bắt buộc được 19 năm 5 tháng, hiện nay bà 45 tuổi; để đủ điều kiện nghỉ hưu, bà phải đủ điều kiện về tuổi đời là 55 tuổi và có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên. Do đó, từ nay đến khi bà 55 tuổi, bà cần tham gia BHXH tự nguyện với thời gian đóng BHXH tối thiểu là 7 tháng nữa cho đến khi đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì khi bà đủ 55 tuổi bà sẽ đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trường hợp bà 50 tuổi, đóng BHXH 25 năm mà bà chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc thì bà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu.
Trường hợp bà có nguyện vọng tham gia BHXH tự nguyện để đủ 25 năm đóng BHXH, đề nghị bà liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được hướng dẫn về thủ tục tham gia BHXH tự nguyện, mức đóng và phương thức đóng phù hợp.