Chi trả chế độ bảo hiểm xã hội – khắc phục những lỗ hổng

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý BHXH. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế phát sinh, tác động tiêu cực đến thực hiện và thụ hưởng chính sách của người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

BHXH Việt Nam cho biết, năm 2019, tổng số người hưởng BHXH hàng tháng là trên 3,2 triệu người được nhân lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng theo các hình thức: Chi bằng tiền mặt, chi qua tài khoản cá nhân; về phương thức tổ chức thực hiện: Chi tại cơ quan BHXH, chi qua đơn vị sử dụng lao động (chế độ ốm đau, thai sản...), ký hợp đồng với tổ chức dịch vụ công (cơ quan bưu điện), chi qua tổ chức dịch vụ cung ứng dịch vụ thanh toán.

Thực hiện hiệu quả chi trả BHXH là mục tiêu của ngành BHXH vì quyền lợi của người thụ hưởng
Thực hiện hiệu quả chi trả BHXH là mục tiêu của ngành BHXH vì quyền lợi của người thụ hưởng
 

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH còn triển khai thực hiện phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều biện pháp quản lý được tăng cường như ứng dụng công nghệ thông tin; chính quyền các cấp, các ngành triển khai chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp kịp thời, đến đúng người thụ hưởng chế độ, quản lý chặt chẽ quỹ BHXH, BH thất nghiệp; các quy trình, thủ tục chi trả, quản lý người hưởng được đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác quản lý chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp phát sinh nhiều vấn đề hạn chế, bất cập. Trong đó, theo BHXH Việt Nam, rào cản chính là cơ sở dữ liệu người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng đã hình thành quản lý tập trung toàn quốc nhưng thông tin cá nhân người hưởng trên danh sách chi trả (tức trong cơ sở dữ liệu) với hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ tại BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, thành phố chưa trùng khớp.

Chính cơ sở dữ liệu chưa được “khóa” chặt nên tính bảo mật, bảo toàn dữ liệu chưa cao rất khó khăn trong quản lý, phụ thuộc mức độ trung thực của con người được phân công sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, theo dõi tăng, giảm người hưởng BHXH hàng tháng, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát quỹ BHXH, BHTN do người sử dụng có thể tự tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi điều kiện hưởng…

Ngoài ra, một số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH nhận lương hưu qua thẻ ATM nhưng không có đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết hoặc chưa cung cấp thông tin cá nhân cần thiết cho cơ quan chi trả BHXH. Cơ quan chi trả BHXH gặp khó khăn trong công tác nắm bắt tình hình người hưởng, đặc biệt người hưởng ở nước ngoài hay là người ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trong khi thời hạn ủy quyền không có thời hạn.

Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế của chi trả chế độ BHXH, ông Điều Bá Được, nguyên Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng, là do các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, còn nghiêng về tạo sự thuận lợi tối đa đối với người hưởng các chế độ; cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH nói chung và người hưởng các chế độ BHXH nói riêng, mặc dù đã hình thành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác của ngành cũng như cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; phần mềm quản lý và chi trả BHXH, tuy đã nâng cấp nhưng chưa có đầy đủ các tính năng hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu quản lý chi trả và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, cũng như giải pháp ngăn ngừa việc lạm dụng của người được giao nhiệm vụ khi sử dụng phần mềm này.

Để hóa giải những tồn tại đối với công tác chi trả và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, theo ông Điều Bá Được, cần có quy định phù hợp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng và cơ quan quản lý chi trả BHXH; rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình nghiệp vụ cũng như chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, các phòng/bộ phận thuộc BHXH tỉnh/huyện liên quan đến công tác quản lý chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH phù hợp với các quy định, quy trình nghiệp vụ có liên quan bảo đảm liên thông, đồng bộ.

Tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở dữ liệu người hưởng BHXH, BH thất nghiệp, ban hành quy chế sử dụng, khai thác, liên thông, cung cấp, chia sẻ dữ liệu, phân cấp, phân quyền truy cập cơ sở dữ liệu, “khóa” cơ sở dữ liệu việc sửa chữa, tẩy xóa, điều chỉnh… đều được lưu vết và chuyển về cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền đến người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp nói chung và người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng nói riêng, nắm được các quy định về quản lý chi trả, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện để cơ quan BHXH và cơ quan đại diện chi trả BHXH, BH thất nghiệp hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, theo ông Điều Bá Được, đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng kịp thời, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Tập trung kiểm tra công tác báo tăng, giảm kịp thời phát hiện các trường hợp chủ động báo tăng, báo giảm trái với quy định để xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật; tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với hệ thống ngân hàng, hệ thống bưu điện trong công tác chi trả, quản lý người hưởng các chế độ BHXH trên địa bàn.