Báo nước ngoài: Việt Nam đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng bao trùm
Trước thềm Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại TP. Đà Nẵng từ ngày 6-11/11, tờ The Independent đã có bài viết đánh giá cao vai trò chủ nhà của Việt Nam, đặc biệt về nội dung làm việc và các sáng kiến đề xuất.
Tờ The Independent viết, đây là lần thứ hai Việt Nam giữ vai trò chủ nhà, chủ trì các hoạt động của APEC trong năm 2017. Chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" do Việt Nam đề xuất đã được các thành viên APEC đánh giá cao, tích cực ủng hộ và hỗ trợ.
Trên cơ sở thúc đẩy các hợp tác trong APEC thời gian qua, Việt Nam đã lựa chọn bốn ưu tiên chính là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sáng kiến của Việt Nam được ủng hộ và chia sẻ
Trong vai trò Chủ tịch APEC, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nền kinh tế thành viên khác trong việc đề xuất các sáng kiến lớn, như thiết lập cơ chế thảo luận về hợp tác lâu dài của APEC; Các cuộc đối thoại đa phương của APEC đến năm 2020, các cuộc đối thoại chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt là sáng kiến nhằm thúc đẩy tính toàn diện trong phát triển kinh tế, xã hội và tài chính khu vực.
Sáng kiến này khẳng định vai trò thực tiễn của APEC, thể hiện kỳ vọng chung về những bước phát triển mới của khu vực trong năm 2017, đóng góp vào việc thiết lập một cộng đồng APEC bền vững và phát triển bao trùm.
Nói về sáng kiến này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đồng thời là Chủ tịch SOM APEC 2017 cho rằng, trong khi toàn cầu hoá và tự do hóa thương mại đang là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và tăng trưởng toàn cầu, góp phần giảm đói nghèo, bất bình đẳng về kinh tế.
Những xu hướng mới nổi lên như Cách mạng Công nghiệp 4.0, công nghệ số mở ra những cơ hội chưa từng có, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới. Vì thế, nhiều người đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh. Một bộ phận người dân và doanh nghiệp nhỏ đã không thể theo được tiến trình hội nhập và bị tụt hậu.
Theo Chủ tịch SOM Bùi Thanh Sơn, trên thực tế, sự hợp tác toàn diện và phối hợp giữa các nền kinh tế APEC còn bị phân tán và chưa chặt chẽ. APEC chưa xây dựng được các chính sách toàn diện để tăng cường tính bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, trong khi ba lĩnh vực này phụ thuộc lẫn nhau và bổ sung cho nhau.
Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Mới đây, ngày 28/8, Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế và khu vực, các nhà quan sát APEC, cũng như các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và giới truyền thông.
Các đại biểu đã đánh giá cao kết quả của diễn đàn, khẳng định sáng kiến của Việt Nam đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả khu vực. Đây cũng là lần đầu tiên có một hoạt động kết nối toàn diện các nỗ lực chung nhằm mục tiêu tăng trưởng bao trùm trong cả ba lĩnh vực trên, cũng như thúc đẩy chính sách và hợp tác tích cực giữa các Ủy ban APEC và các nhóm làm việc.
Diễn đàn đã góp phần nâng cao nhận thức chung về nhu cầu tạo ra một chương trình nghị sự của APEC cho tăng trưởng bao trùm với các tiêu chí cụ thể, các giải pháp liên ngành, các biện pháp xây dựng năng lực pháp lý và giải pháp liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng.