Bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân giúp giảm gánh nặng tài chính
Giảm địa bàn đặc biệt khó khăn là chỉ tiêu trong các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Thế nhưng khi thoát nghèo, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ hết hiệu lực, đồng nghĩa gánh nặng tài chính sẽ tăng lên với nhiều gia đình.

Còn khó khăn mở rộng BHYT vùng DTTS
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm 3.434 xã thuộc 51 tỉnh, thành phố. Đây được xác định là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước, trọng điểm là có 1.551 xã khu vực III. Thời gian qua, nhiều địa bàn đã thoát khỏi tình trạng nghèo cho thấy hiệu quả của các chính sách đầu tư, hỗ trợ, nhưng cũng tạo áp lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là nhiều hộ DTTS sẽ không được nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT.
Minh chứng rõ nhất là sau khi có Quyết định số 861/QĐ-TTg, từ tháng 7/2021, cả nước có khoảng 3,1 triệu người trước đây được ngân nhà nước mua thẻ BHYT thì nay địa phương đã thoát nghèo nên không còn tiếp tục được thụ hưởng chế chính sách hỗ trợ này. Trong đó, có khoảng 2,65 triệu người là đồng bào DTTS và phần lớn chưa có điều kiện để tự tham gia BHYT.
Vì thế, để chính sách không bị ngắt quãng, kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế, ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo đó, từ tháng 12/2023, đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn vừa thoát nghèo tiếp tục được hỗ trợ mua BHYT với mức tối thiểu 70%. Tuy nhiên, không ít người dân lại đang khó khăn với việc đóng 30% kinh phí còn lại. Mặt khác, chính sách hỗ trợ chỉ có hiệu lực 36 tháng, tính từ ngày Nghị định có hiệu lực (ngày 03/12/2023). Sau thời gian trên, đồng bào DTTS ở những địa bàn đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn phải tự tham gia BHYT hoặc được hỗ trợ từ một chính sách khác (nếu có).
Tại Báo cáo số 169/BC-BDTTG ngày 30/3/2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho biết, hết năm 2024, toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có 98,7% số xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; dự kiến tỷ lệ này là 100% vào cuối năm 2025. Còn theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính chung cả nước, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế (10.559 trạm); trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT; 97,3% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Tuy vậy, tỷ lệ đồng bào DTTS đến tuyến y tế cơ sở để khám chữa bệnh BHYT còn thấp. Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 của Cục Thống kê (trước là Tổng cục Thống kê) cho thấy, tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám bệnh chỉ đạt 43,7%. Trong các DTTS, có 17/53 DTTS có tỷ lệ người sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh trên 50%; 19/53 dân tộc từ 40 - 50% và 17/53 dân tộc dưới 40%. Đáng chú ý, dân tộc Lô Lô có tỷ lệ người sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh thấp nhất, chỉ đạt mức 28,8%.
Một trong những nguyên nhân chủ quan khiến tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT của đồng bào DTTS còn thấp là do nhiều người chưa nắm rõ mức chi trả khám chữa bệnh của BHYT, từ đó phát sinh tâm lý lo lắng phải chi trả viện phí. Với đồng bào DTTS, người dân vùng sâu, vùng xa hay những lao động nghèo…, chi phí y tế vẫn là rào cản lớn khiến nhiều người có bệnh mà không dám đi chữa trị.
Hướng đến giảm gánh nặng tài chính y tế
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mức chi trả BHYT và danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Do vậy, việc không có thẻ BHYT đã khiến nhiều trường hợp người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, khi không may bị đau ốm, bệnh tật phải điều trị không được quỹ BHYT hỗ trợ và việc phải trả 100% chi phí điều trị trở thành một gánh nặng lớn.

Theo tính toán, nếu khám, chữa bệnh bình thường, phải nằm viện từ 5 - 7 ngày thì người bệnh cũng phải chi phí từ 2 - 3 triệu đồng; còn nếu phẫu thuật, can thiệp y khoa kỹ thuật cao tối thiểu cũng không dưới 10 triệu đồng. Đó là chưa kể hiện quỹ BHYT dù đã được mở rộng nhưng một số danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật không được chi trả hoặc chỉ chi trả một phần.
Như chia sẻ của một bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi di căn vào gan và xương tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), phác đồ sử dụng thuốc miễn dịch cho một lần điều trị là 70 triệu đồng/tháng; chưa kể chi phí xét nghiệm, xạ trị, hóa trị, tiền giường bệnh và chi phí dinh dưỡng nên gia đình đã phải bán nhà ở quê mới có đủ tiền điều trị đúng liệu trình.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30 - 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Trong khi đó, theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bình quân quỹ BHYT chi trả từ 87 - 89% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT và người tham gia BHYT có trách nhiệm đồng chi trả từ 11 - 13%.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, một trong những mục tiêu của chính sách miễn giảm viện phí là giảm tỷ lệ chi trả tiền túi của người dân xuống dưới 20%; đồng thời hạ tỷ lệ đồng chi trả trong BHYT xuống dưới 10%. Điều này sẽ giúp người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp giảm gánh nặng chi phí y tế, tránh rơi vào cảnh nghèo đói vì bệnh tật. Đối với đồng bào DTTS, việc miễn viện phí sẽ là một “trợ sức” đầy nhân văn và thiết thực trên hành trình vươn lên để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đây cũng là một trong những giải pháp để phát huy hiệu quả nguồn lực đã đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.