Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Đồng bộ nhiều giải pháp hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân
Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển đối tượng tham gia BHYT và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để ngành BHXH Việt Nam hướng tới bao phủ BHYT toàn dân.
Luôn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT
Năm 2008, Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Triển khai thực hiện Luật BHYT, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 01/7 hằng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”.
Ngày BHYT Việt Nam là dịp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước.
Nhờ chú trọng hoàn thiện chính sách BHYT ngày càng phù hợp với thực tiễn, nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế.
Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.
Cùng với đạt tỷ lệ bao phủ tăng dần, cơ quan BHXH cũng luôn kịp thời đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi.
Đặc biệt, trong các năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch COVID-19, Quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong khắc phục hậu quả và phòng chống dịch; qua đó tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Mở rộng quyền lợi hưởng BHYT cho người tham gia
Khi tham gia BHYT, người dân được Quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Luật BHYT quy định, tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và có phạm vi hưởng BHYT như nhau gồm các chi phí: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng và chi phí trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động, học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi…
Theo BHXH Việt Nam, Danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu (chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả).
Bên cạnh các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại, mỗi loại có rất nhiều chủng loại theo tên thương mại).
Trong đó, có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đãi đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được Quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, Quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng. Mức chi phí bình quân ngày giường điều trị Quỹ BHYT thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2 - 1,3 triệu/lượt.
Đối với các trường hợp phải chăm sóc đặc biệt sẽ được Quỹ BHYT thanh toán lên tới hàng chục triệu đồng/một đợt điều trị, thậm chí có trường hợp số tiền giường được thanh toán lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được Quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo, do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc khám chữa bệnh cho người thân.
Về mức hưởng BHYT, khi người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh đúng tuyến theo quy định và xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% hoặc 95% hoặc 80% chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào đối tượng tham gia BHYT.
Đối với những bệnh nhân có mức hưởng BHYT 95% hoặc 80%, nếu đã tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên, có số tiền cùng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 lần mức lương cơ sở (hiện tương đương 8.940.000 đồng) sẽ được hưởng 100% khi đi khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT ở những lần đi khám chữa bệnh đúng tuyến tiếp cho đến hết năm tài chính.
Trường hợp người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến sẽ được Quỹ BHYT thanh toán từ 32-100% chi phí khám chưa bệnh BHYT.
Có thể khẳng định, tham gia BHYT mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình.
Chính vì vậy, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.