Bảo toàn dư địa tăng trưởng
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần thích ứng với kịch bản tăng trưởng thấp trong năm 2020, đồng thời bảo toàn dư địa tăng trưởng cho những năm tới do dịch Covid-19 có thể kéo dài hơn dự kiến.
Báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% và 2,6% trong kịch bản thứ hai.
Cùng đó, xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong kịch bản đầu tiên và giảm 1,9% trong kịch bản còn lại (so với năm 2019). Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%. Tuy nhiên, cán cân thương mại của năm 2020 dự kiến đạt mức thặng dư khá với hai con số lần lượt cho hai kịch bản là 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.
Thách thức trong những tháng còn lại của năm với kinh tế vẫn không mới. Đó là những yếu tố: Kinh tế thế giới bất định, đặc biệt là khả năng bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19; nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu có thể gây ra rủi ro lớn đối với thị trường tài chính; căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn.
Cuâng đó, dù Hiệp định EVFTA mang lại những cơ hội nhưng ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ ở một số thị trường. Điều này đã trở nên rõ ràng bởi theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), số lượng các vụ kiện chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã vượt cả năm 2019.
Rõ ràng, suy thoái kinh tế đến từ đại dịch Covid-19 có thể kéo dài lâu hơn dự kiến. Do vậy, cần duy trì cũng như bảo toàn được dư địa tăng trưởng, nhất là về tài chính tiền tệ, ổn định vĩ mô, niềm tin vào chính sách và sự điều hành của Chính phủ.
Đặc biệt, về giải pháp theo hướng thúc đẩy cỗ xe “tam mã” tăng trưởng như Thủ tướng Chính phủ nêu ra mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần thúc đẩy, kích cầu tiêu dùng trong nước; xem xét hiệu quả của gói hỗ trợ cho người lao động.
Một vấn đề nữa nằm trong cỗ xe “tam mã” của tăng trưởng là ứng xử với luồng vốn đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia, kể cả kinh tế thế giới có diễn biến phức tạp, đầu tư nước ngoài vẫn mang ý nghĩa với Việt Nam đặc biệt là về công nghệ, kỹ năng quản trị, các chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, các nhà đàm phán Việt Nam cần xây dựng được thói quen kiên trì, kiên nhẫn theo đuổi để có được dự án, nguồn vốn thực sự chất lượng; tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thậm chí là chủ động đề ra các quy chuẩn thu hút vốn FDI thay vì đặt nặng vào việc ưu đãi về thuế, đất đai.
Dù trong kịch bản nào, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường, xử lý hiệu quả rủi ro, đặc biệt gắn với Covid-19.