Bảo vệ nhà đầu tư từ góc nhìn nhà quản trị công ty tốt
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận là một quốc gia đã có nhiều cải thiện về bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một thực tế là các doanh nghiệp chưa thực sự tuân thủ đầy đủ các quy định luật pháp cũng như các nguyên tắc quản trị công ty (QTCT) tốt về bảo vệ nhà đầu tư. Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Giang - Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu phát triển, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), về những giải pháp bảo vệ nhà đầu tư từ kinh nghiệm một số nước trong khu vực.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các quyền của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay tại các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên HNX?
Ông Trần Minh Giang: Theo Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty (QTCT) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2015), khung QTCT của doanh nghiệp phải bảo đảm đối xử bình đẳng với mọi nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN).
Mọi nhà đầu tư phải được cung cấp thông tin về các quyền của nhà đầu tư gắn với từng loại cổ phần và nhà đầu tư có cùng loại cổ phần phải có quyền bình đẳng như nhau.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần dỡ bỏ những rào cản về vấn đề thực hiện quyền biểu quyết của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đầy đủ đến việc thực hiện đúng tinh thần của các quy định luật pháp cũng như các nguyên tắc QTCT tốt về bảo vệ nhà đầu tư.
Kết quả đánh giá về công bố thông tin và minh bạch (CBTT&MB) năm 2016 dành cho DNNY của HNX trên phương diện bảo vệ quyền của nhà đầu tư cho thấy:
Chỉ có 5,8% DNNY trên HNX hiểu rõ được điều này và áp dụng chuẩn mực quốc tế khi xây dựng và công bố báo cáo tài chính (BCTC), 93% DNNY trên HNX chưa công bố BCTC bằng tiếng Anh. Ngoài ra, 96% website doanh nghiệp chưa công bố giấy mời họp và chương trình họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bằng tiếng Anh và 99% DNNY chưa công bố Nghị quyết và Biên bản ĐHĐCĐ bằng tiếng Anh.
Đối với các nhà ĐTNN, việc hiểu và phân tích BCTC của một doanh nghiệp rất quan trọng, đây là một điều kiện tiên quyết trong việc đưa ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, doanh nghiệp cần đảm bảo có cơ chế cho phép các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể dồn phiếu bầu cho các vấn đề trọng yếu, ví dụ như đề cử các thành viên HĐQT hay đề xuất đưa vấn đề vào chương trình ĐHĐCĐ.
Kết quả cho thấy, chỉ 2,6% DNNY trên HNX có quy định mức sở hữu tối thiểu để kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp là dưới 5% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết và có khoảng 75% DNNY trên HNX đề cập đến quyền gộp số quyền biểu quyết để đề cử ứng viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Chỉ có 62% DNNY có chính sách cho phép nhà đầu tư phê duyệt các giao dịch với các bên liên quan. Ngoài ra, chưa có doanh nghiệp nào áp dụng cơ chế phiếu bầu điện tử (E-Voting) trong quá trình tổ chức ĐHĐCĐ để đảm bảo các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đều có khả năng tham dự ĐHĐCĐ.
Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên bao gồm:
Thứ nhất là do các doanh nghiệp vẫn chưa thể hiện quan tâm đầy đủ đến việc bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Doanh nghiệp còn thiếu các cơ chế nhằm bảo vệ quyền của nhà đầu tư và đối xử bình đẳng với nhà đầu tư trong điều lệ doanh nghiệp hoặc Quy chế nội bộ về QTCT.
Thứ hai, do các doanh nghiệp còn thiếu sự hiện diện của thành viên HĐQT độc lập. Một HĐQT độc lập và hiệu quả sẽ hoạt động vì lợi ích tốt nhất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, tránh các xung đột lợi ích, là đơn vị đại diện cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động và điều hành doanh nghiệp, đảm bảo quyền cho nhà đầu tư và đối xử bình đẳng đối với nhà đầu tư.
Tuy Luật Doanh nghiệp 2014 đã cho phép tổ chức họp ĐHĐCĐ từ xa và công nhận E-Voting, tuy nhiên, mùa ĐHĐCĐ năm nay, các doanh nghiệp mới bắt đầu được tiếp cận với dịch vụ này1.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực về bảo vệ nhà đầu tư, ông có khuyến nghị và giải pháp gì nhằm nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ cổ đông?
Để bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với Đài Loan: Áp dụng E-Voting là một trong các phương án nhằm đảm bảo các nhà đầu tư của doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều có thể thực hiện quyền biểu quyết của mình ngay cả khi không thể tham gia ĐHĐCĐ.
Đài Loan, Malaysia, Thái Lan: Hạn chế số lượng ĐHĐCĐ được tổ chức trong một ngày, nhằm nâng cao khả năng các nhà đầu tư nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp khác nhau có thể tham dự ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp mà họ đã đầu tư.
Đài Loan, Malaysia: Thành lập một đơn vị độc lập theo mô hình trung tâm bảo vệ nhà đầu tư (Securities and Futures Investors Protection Center - SFIPC của Đài Loan, Malaysia Shareholder Watchdog Group - MSWG của Malaysia) để trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thực hiện quyền của mình và nâng cao tính hiệu quả của “cơ chế cưỡng chế thực thi mềm” trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Singapore: Yêu cầu công bố các báo cáo định kỳ như BCTC và báo cáo thường niên (BCTN) bằng tiếng Anh song song với phiên bản tiếng bản địa. Ngoài ra, các BCTC cũng phải được lập theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) song song với BCTC được lập theo chuẩn mực kế toán nước sở tại.
Đài Loan, Úc, Thái Lan: Thành lập một đơn vị độc lập theo mô hình trung tâm QTCT (Institute of Directors của Thái Lan và Úc, Securities and Futures Institute - SFI của Đài Loan) nhằm cung cấp các chương trình đào tạo quản trị viên về QTCT, trong đó bao gồm cả nội dung về việc bảo vệ quyền của nhà đầu tư và đối xử bình đẳng với nhà đầu tư.
Từ những giải pháp bảo vệ nhà đầu tư của một số nước trong khu vực, theo chúng tôi, Việt Nam cần phải có những bước đi như sau:
Đối với cơ quan quản lý:
(i) Cần tiếp tục soạn thảo và ban hành Nghị định về QTCT, Bộ Nguyên tắc QTCT, các văn bản và các sổ tay hướng dẫn QTCT. Điều này giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên TTCK cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hoạch định các phương án nâng cao chất lượng QTCT của mình một cách hiệu quả nhất.
(ii) Sớm hoàn thiện các thể chế liên quan đến QTCT trên TTCK. Thành lập một đơn vị độc lập theo mô hình Trung tâm QTCT hoặc Viện QTCT nhằm phụ trách: Đào tạo Quản trị viên dành cho các doanh nghiệp trên TTCK; Thiết lập mạng lưới quản trị viên; Đánh giá chất lượng QTCT cho toàn TTCK; Soạn thảo các hướng dẫn, cẩm nang về QTCT.
(iii) Thành lập một đơn vị độc lập theo mô hình trung tâm bảo vệ nhà đầu tư nhằm: làm đầu mối giải quyết các khiếu nại và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thực hiện các quyền của mình; giám sát chất lượng ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp; củng cố cơ chế cưỡng chế thực thi mềm trên TTCK.
Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả của quy trình tổ chức ĐHĐCĐ. ĐHĐCĐ là nơi mà các nhà đầu tư trực tiếp thể hiện quan điểm, thực hiện các quyền cơ bản của mình. Do đó, DNNY cần đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư có thể tham dự ĐHĐCĐ một cách hiệu quả; Tăng cường sự tiếp cận thông tin của nhà đầu tư.
Quyền cơ bản của nhà đầu tư là được tiếp cận và nhận các thông tin trọng yếu về DNNY mà họ đầu tư, do đó DNNY cần đảm bảo cho nhà đầu tư được quyền tiếp cận các thông tin công bố.
Ngoài ra, DNNY cần chú trọng hơn tới việc CBTT trên website của doanh nghiệp, cập nhật các thông tin công bố thường xuyên; Tạo điều kiện cho nhà đầu tư thiểu số và nhà ĐTNN thực hiện quyền của họ.
Doanh nghiệp cần cung cấp các tài liệu họp ĐHĐCĐ (biên bản và nghị quyết ĐHĐCĐ, giấy mời họp và chương trình họp) và các báo cáo (BCTC, BCTN, Báo cáo QTCT) bằng tiếng Anh trên website để nhà ĐTNN có thể tiếp cận thông tin dễ dàng và nhanh chóng.
Mặt khác, DNNY nên nghiên cứu và áp dụng các phương pháp tổ chức ĐHĐCĐ khác nhau như E-Voting, họp ĐHĐCĐ trực tuyến, hoặc bỏ phiếu qua bưu điện… để tạo điều kiện tham dự cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần được hướng dẫn chi tiết quy trình ủy quyền tham dự ĐHĐCĐ và quy trình dồn phiếu biểu quyết để đảm bảo tất cả các nhà đầu tư đều có thể thực hiện quyền của mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!