Bất chấp 17 bang ủng hộ Texas kiện lên Toà án Tối cao, Trump vẫn "khó thắng"
Đến hôm nay, đã có 17 bang gửi đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ thể hiện sự ủng hộ với đơn kiện của Texas cáo buộc quy trình bỏ phiếu ở 4 bang chiến địa mà ông Biden chiến thắng. Song, cơ hội "lật ngược thế cờ" của ông Trump vẫn mong manh.
Như đã đưa tin, tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton - một thành viên đảng Cộng hoà, ngày 7/12 đã đệ đơn lên Toà án Tối cao Mỹ, cáo buộc 4 bang chiến địa Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin thay đổi thủ tục bỏ phiếu, qua đó làm sai lệch kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Trên cơ sở đó, ông Paxton cho rằng, đại cử tri ở 4 bang trên không nên được cho bỏ phiếu. Hơn nữa, vị tổng chưởng lý cũng yêu cầu Tòa án Tối cao hoãn thời hạn cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của ông Biden vào ngày 14/12.
Bốn bang bị kiện giữ 62 phiếu đại cử tri và từng bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016, nhưng đã bất ngờ nghiêng về ông Biden vào cuộc bầu cử năm nay. Theo đó, ban chiến dịch tranh cử của Trump và các đồng minh cho rằng, có vấn đề trong việc kiểm phiếu ở các bang này.
17 bang gửi đơn ủng hộ Texas
Đến sáng 10/12/2020, đã có 17 bang, do Missouri dẫn đầu, gửi đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ để thể hiện sự ủng hộ với đơn kiện từ Texas. Trong số các bang này, 14 bang có thống đốc là thành viên đảng Cộng hòa. Ngoài ra, Tổng thống Trump hôm 9/12 cũng đệ đơn lên Tòa án Tối cao, yêu cầu được tham gia vụ kiện của Texas.
Theo Reuters, nếu Tòa án Tối cao cho phép ông Trump tham gia vụ kiện của Texas, đây sẽ là một sự kiện vô tiền khoáng hậu. "Chúng tôi sẽ can thiệp vụ kiện của Texas cùng nhiều bang khác. Đây là một vụ kiện lớn. Đất nước của chúng ta cần một chiến thắng", ông Trump viết trên Twitter.
Được biết, đơn kiện dài 154 trang của Paxton nhắc lại các lập luận pháp lý từ trước đến nay của Trump cùng các đồng minh tại các phiên tòa trên khắp cả nước. Đơn kiện này căn cứ vào một nội dung trong hiến pháp Mỹ, cho phép bang này kiện bang kia trực tiếp tại Tòa án Tối cao mà không phải bắt đầu tiến trình kiện tụng từ các tòa án cấp thấp hơn.
Theo hãng tin RT, không giống đơn kiện của đội ngũ pháp lý cùng các đồng minh của ông Trump, Texas không cáo buộc có gian lận bầu cử, song cho rằng 4 bang chiến địa trên liên quan tới "các điểm bất thường trong bỏ phiếu", "sửa luật bầu cử của các bang" không phù hợp và thậm chí có khả năng phân biệt đối xử với các cử tri "dù hợp pháp hay phi pháp".
Tỷ lệ thành công?
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, đơn kiện của Texas, gần như không có giá trị về mặt pháp lý, gọi cáo buộc đưa ra là "phi lý", "buồn cười", và có thể đẩy nỗ lực pháp lý của ông Trump vào một kết cục "thảm hại".
Theo Rebecca Green - giáo sư tại Trường Luật William & Mary ở Virginia, trong hệ thống liên bang của Mỹ, Texas không có tư cách pháp lý để chất vấn cách các bang khác xử lý quy trình bầu cử của họ. "Hành động đó thật kỳ quặc. Nó hoàn toàn trái ngược với cách mà Hiến pháp quy định cách thức các cuộc bầu cử được thực hiện. Việc một bang đi phàn nàn về quy trình làm việc của bang khác thật sự vô lý", bà nói.
Thông thường, khi các bang kiện lên Tòa án Tối cao, người đứng ra nộp đơn kiện là Luật sư trưởng, quan chức cố vấn pháp lý đại diện cho chính quyền bang tại Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, Luật sư trưởng Kyle Hawkins của Texas đã không ký vào đơn kiện này, thay vào đó là tổng chưởng lý Paxton - người giữ quyền công tố của bang.
Hiện, chưa rõ lý do ông Hawkins không ký đơn, song theo Justin Levitt - giáo sư về luật bầu cử tại Trường Luật Loyola, California, "có thể ông ấy không muốn đưa tên mình vào một đơn kiện vốn không khác gì một thông cáo báo chí".
Theo Reuters, giới chuyên gia pháp lý đánh giá vụ kiện ít có cơ hội thành công. Còn tạp chí Forbes chỉ ra một số lý do cho thấy vụ kiện có thể thất bại như có khả năng tòa nhận thấy Texas không có "vị thế tranh chấp" để kiện; họ kiện quá trễ; không có bằng chứng để chứng minh công tác bầu cử ở các bang vi hiến...
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cảnh báo rằng, việc Tòa án Tối cao làm mất tư cách đại cử tri từ 4 bang chiến địa theo như yêu cầu của Texas sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Động thái của Toà án Tối cao
Hiện, quan chức từ Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đã lên án động thái trên của ông Trump cùng các đồng minh, khẳng định đây là một cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ Mỹ. Theo tổng chưởng lý bang Michigan Dana Nessel, vụ kiện trên chỉ là "trò quảng cáo", không xứng đáng với phẩm cách của văn phòng ông Paxton lẫn người dân Texas.
Với vụ kiện của Texas, Tòa án Tối cao Mỹ vẫn chưa thụ lý và đã yêu cầu 4 bang trên đến chiều 10/12 phải đưa ra phản hồi chính thức. Hiện, Tòa án Tối cao đang nghiêng về phe bảo thủ với tỷ lệ 6 (bảo thủ) - 3 (tự do), trong đó có 3 thẩm phán do ông Trump đề cử. Trước bầu cử, ông Trump từng nói ông kỳ vọng Tòa án Tối cao sẽ quyết định người thắng cử.
Tuy nhiên, các thẩm phán không có nghĩa vụ phải giải quyết vụ kiện. Tòa án Tối cao cũng từng nêu rõ rằng "quyền xét xử đầu tiên" - vốn cho họ giải quyết trực tiếp chuyện kiện tụng giữa các bang, nên được sử dụng một cách không hoang phí.
Trên thực tế, Tòa án Tối cao thường từ chối đứng ra xử lý tranh chấp giữa các bang, trong trường hợp chúng có thể được giải quyết ở các tòa cấp dưới có liên quan. Trong 10 năm qua, Tòa này chỉ đồng ý xem xét 5 vụ tranh chấp như vậy.
Jonathan Adler - giáo sư tại Trường Luật Đại học Case Western Reserve ở Ohio, nhận xét một số thẩm phán có thể biểu quyết xem xét những lập luận trong đơn kiện của Paxton. Dù vậy, những thẩm phán này vẫn khó có thể thúc đẩy nỗ lực của Paxton nhằm lật ngược kết quả bầu cử.
"Quan điểm của tôi là các thẩm phán sẽ vô cùng thận trọng khi mở 'chiếc hộp rắc rối' này", ông Adler nhận định.
Theo tính toán không chính thức của truyền thông Mỹ, ông Biden đang có tổng cộng 306 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump có 232 phiếu. Bốn bang chiến địa bị Texas kiện góp 62 phiếu đại cử tri trong tổng 306 phiếu cho ông Biden.