Bất động sản 2018: Khu Đông tiếp tục chiếm ưu thế

Theo Khánh An/thesaigontimes.vn

Bất động sản và hạ tầng luôn được ví như “chiếc bình thông nhau”, nơi nào mạng lưới hạ tầng giao thông phát triển mạnh thì chắc chắn giá trị bất động sản tại khu vực đó sẽ tăng phi mã. Minh chứng cho câu chuyện này, khu Đông Sài Gòn đã tạo nên “cơn sốt” trên thị trường địa ốc TP. Hồ Chí Minh trong năm 2017, thu hút nhóm khách đầu tư lẫn có nhu cầu ở thực liên tục “đổ vốn” và có thể sẽ tiếp tục là tâm điểm trong năm 2018.

Bất động sản và hạ tầng luôn được ví như “chiếc bình thông nhau”. Nguồn: internet
Bất động sản và hạ tầng luôn được ví như “chiếc bình thông nhau”. Nguồn: internet

Giá tăng theo hạ tầng

Đến thời điểm hiện nay, khu Đông Sài Gòn bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức đã thực sự trở thành “điểm ngắm” của cả thị trường bất động sản, từ các nhà đầu tư cá nhân, người có nhu cầu thật về nhà ở đến các đại gia địa ốc. Chỉ tính sau gần một năm, giá đất tại nhiều dự án thị trường bất động sản khu Đông đã tăng nhanh đến “chóng mặt”. Còn nếu tính trong một thập niên qua, giá nhà đất tại nhiều nơi của khu Đông đã tăng từ 2-3 lần.

Khu Đông từ lâu đã trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh dù cũng có lúc thăng lúc trầm. Tuy nhiên, sự trở lại của thị trường khu Đông chính thức bắt đầu từ năm 2013, cùng với sự hồi phục chung của thị trường bất động sản. Khi đó, khu vực này dường như nhận được sự chú ý đặc biệt của thị trường bởi hàng loạt chính sách phát triển hạ tầng quan trọng được triển khai, mở toang cánh cửa kết nối khu Đông với các khu vực lận cận.

Đến thời điểm này, hầu hết những công trình giao thông trọng điểm đều đi qua khu Đông, như hầm sông Sài Gòn, đường Võ Văn Kiệt, đường Mai Chí Thọ nối khu Đông vào hầm Thủ Thiêm với quận 1, cầu Sài Gòn 2 nối từ trung tâm thành phố với quận 2 và quận 9, hay đường Phạm Văn Đồng, nối sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức, xa lộ Hà Nội nối khu Đông và trung tâm thành phố được mở rộng, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nối trực tiếp khu Đông với Đồng Nai, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên xuyên suốt từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh tới Bình Dương, Đồng Nai… 

Tâm điểm gia tăng giá trị bất động sản khu Đông gần đây thể hiện rõ nét nhất là thông tin về việc tái khởi động dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Đây là chuỗi các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic được thành phố dự kiến tổng vốn đầu tư 34.000 tỉ đồng, quy mô 180 héc ta phục vụ cho SEA Games 31. Theo khảo sát từ Công ty TNHH Gachvang, giá đất bình quân xung quanh khu vực có dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đã tăng khá mạnh. Cụ thể, phía Tây khu liên hợp thể thao đạt mức bình quân 106 triệu đồng/mét vuông, cao hơn gấp 1,5-2 lần so với mặt bằng giá đất quanh dự án này. Đây là khu vực nằm khá gần khu đô thị An Phú, Thảo Điền, được mệnh danh là “phố nhà giàu” của quận 2. Trong khi đó, ở phía Nam khu liên hợp thể thao giá bình quân 64,5 triệu đồng/mét vuông.

Không chỉ quận 2, tại quận 9 nhiều dự án có sức hút khá lớn và giá không ngừng tăng cao. Như tại dự án Him Lam Phú An do Him Lam Land làm chủ đầu tư với hơn 1.000 căn hộ (giá từ 1,7 tỉ đồng/căn 2 phòng ngủ), nếu so sánh với giá khởi điểm từ năm 2016 thì hiện nay đã tăng trên 300 triệu đồng/căn. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu do sở hữu lợi thế vị trí ngay tuyến Metro số 1 và tiến độ xây dựng nhanh, dự kiến bàn giao vào tháng 6-2018 (sớm hơn kế hoạch 2 tháng). Cách đó không xa, dự án Khu dân cư bán biệt lập Him Lam Phú Đông (đại lộ Phạm Văn Đồng) cũng ghi nhận mức tăng giá hơn 30% đối với sản phẩm căn hộ và tăng hơn 50% so với sản phẩm đất nền.

Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật “lên ngôi”

Theo phân tích của giới chuyên môn, thị trường địa ốc 2018 - 2020 sẽ tiếp tục ổn định và tích cực, đặc biệt là phân khúc giá tầm trung bởi trong giai đoạn hiện nay, nói đến bất động sản là phải nói đến vị trí và nhu cầu thật.

Khu Đông sẽ tiếp tục là lựa chọn “lý tưởng” cho mọi đối tượng khách hàng bởi ngoài hạ tầng phát triển, khu vực này còn sở hữu quỹ đất lớn, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn… Tất cả tạo ra những lợi thế khó nơi nào sánh được.

Xét về tỷ lệ giữa các sản phẩm, phân khúc căn hộ tầm trung dưới 2 tỉ đồng chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung chính là minh chứng cho sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường để đáp ứng nhu cầu thật của người mua và tạo nên sự ổn định cho ngành bất động sản. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cho rằng năm 2018 sẽ là năm bùng nổ của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh. “Sản phẩm trung cấp sẽ chiếm tỷ trọng cao với một lượng vừa phải của phân khúc cao cấp và hạng sang được giới thiệu, tạo nền tảng cho một sự phát triển bền vững hơn”, bà Dung nói.

Cùng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land, nhìn nhận thời gian qua người tiêu dùng và các nhà đầu tư thứ cấp đã chuyển sang phân khúc căn hộ tầm trung và vừa túi tiền. “Nhu cầu căn hộ có giá dưới 2 tỉ đồng vẫn rất cao và đây chính là phân khúc sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản năm 2018. Đáp ứng phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng nên với phân khúc này, bao nhiêu sản phẩm tung ra thị trường cũng tiêu thụ hết bởi nhu cầu sở hữu căn hộ rất lớn, nhất là đối với những người đang có nhu cầu mua ở thật”, ông Phúc chia sẻ.