Bất động sản công nghiệp đứng trước cơ hội "bùng nổ"?
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 vừa tổ chức mới đây, các chuyên gia đều có chung nhận định, thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội "bùng nổ" mạnh mẽ...
Trên cơ sở phân tích các chính sách mới về phát triển khu công nghiệp (KCN) và dự báo tác động của sự dịch chuyển đầu tư FDI đối với BĐS công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Theo thống kê, hiện trên cả nước có 326 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha. Trong đó, 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 73,9%.
Hiện nay, kinh tế trong nước đang đứng trước cơ hội chuyển đổi cơ cấu công nghiệp hướng đến những ngành công nghiệp chế tác, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng công nghệ 4.0 cùng chiến lược thu hút FDI và thúc đẩy liên doanh liên kết giữa các DN trong và ngoài nước, kế hoạch phát triển đến năm 2020 tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc thị trường, tăng trưởng theo chiều sâu trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương với các quốc gia khác nhau, bao gồm 5 hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN, 6 hiệp định với các đối tác, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand và 4 hiệp định thương mại tự do song phương, trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – châu Âu và Hiệp định CPTPP.
Lợi ích chính từ các hiệp định thương mại này là giúp xóa bỏ các rào cản thương mại giữa các nước thành viên, giúp thu hút các doanh nghiệp thiết lập quy trình sản xuất tại Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu tới thị trường các nước thành viên.
Các chuyên gia đều nhìn nhận, thị trường BĐS, trong đó có BĐS công nghiệp bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như: chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi
Còn theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, qua đó, tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, cần tập trung đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng, dựa trên cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế phù hợp với thực trạng Việt Nam.