Bất động sản Hà Nội: Hứa hẹn một năm sôi động
Nhiều thương vụ đình đám khởi động thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội trong năm 2016 và tháng đầu tiên trong năm 2017 khiến BĐS là lĩnh vực tiềm năng thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn. Theo đó, trong năm 2016, bất động sản đứng thứ hai trong số các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký cấp mới đạt khoảng 1,5 tỉ USD.
Sôi động từ đầu năm
Ngay từ tháng đầu tiên năm 2017, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư ít nhất 300 triệu USD để xây dựng và vận hành Trung tâm thương mại Ciputra Hanoi Mall sau khi mua lại từ chủ đầu cũ là Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long.
Với tổng diện tích đã được quy hoạch lên đến 200.000 m2, Ciputra Hanoi Mall sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất Hà Nội khi được đưa vào hoạt động. Ciputra Hanoi Mall nằm trên diện tích 7,3 ha, dọc theo mặt đường Võ Chí Công và thuộc Dự án Ciputra Hanoi.
Ciputra Hanoi Mall bắt đầu được xây dựng từ năm 2007, nhưng vì nhiều lý do nên đã bị “đắp chiếu” sau khi khởi công. Công trình dừng lại ở phần làm móng và bị để hoang từ đó đến nay. Với việc sang tên đổi chủ, dự kiến trong quý II năm nay dự án sẽ được “hồi sinh”.
Cuối tháng 7 năm 2016, thị trường căn hộ cũng chứng kiến sự hợp tác giữa tập đoàn Mitsubishi Corporation và Tập đoàn Bitexco trong dự án phát triển khu dân cư The Manor Central Park. Dự kiến trong giai đoạn đầu hợp tác, tập đoàn Mitsubishi sẽ rót khoảng 284,6 triệu USD. Theo đó, họ sẽ tiến hành xây 240 căn nhà thấp tầng và 2 tòa căn hộ bao gồm 1.036 căn.
The Manor Central Park là khu đô thị nằm ở quận Hoàng Mai, cách trung tâm Hà Nội 8 km về hướng Tây Nam. Đây là dự án phức hợp gồm khu dân cư, thương mại, văn phòng, trường học và khu thể thao. Dự án có diện tích 190 ha, trong đó 100 ha sẽ được dành để xây dựng công viên.
Cũng trong đầu năm 2016, Aon Holdings, một tập đoàn đa quốc gia của Anh mua lại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower từ tay chủ cũ là Keangnam Enterprises với giá 380 triệu USD. Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (Landmark 72) là toà nhà cao nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam Hà Nội. Toà nhà có 72 tầng và diện tích sử dụng 610.000 m2.
Trên đây chỉ là một vài thương vụ đình đám được kể tên trong năm 2016 và tháng đầu tiên trong năm 2017. Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản là lĩnh vực tiềm năng thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn. Theo đó, trong năm 2016, bất động sản đứng thứ hai trong số các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký cấp mới đạt khoảng 1,5 tỉ USD.
Riêng đối với thủ đô Hà Nội, phân khúc nhà ở là lĩnh vực thu hút được dòng vốn FDI nhất. Một trong những dự án đáng chú ý đầu tiên ghi dấu sự nhập cuộc của các nhà đầu tư nước ngoài là khu đô thị Ciputra nằm tại khu vực hồ Tây của Hà Nội vào năm 2004 của doanh nghiệp từ Indonesia. Kể từ đó, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á như Malaysia hay Indonesia liên tục ra mắt thị trường với các dự án chủ yếu tập trung ở khu vực Hà Nội và nhắm vào phân khúc trung đến cao cấp.
Dấu ấn của các nhà đầu tư ngoại
Thị trường bất động sản thương mại cũng chứng kiến sự nhộn nhịp chuyển nhượng cũng như góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của Tập đoàn tư vấn BĐS CBRE, các nhà đầu tư ngoại cũng tạo dấu ấn rõ nét trên thị trường từ mảng văn phòng, bán lẻ đến căn hộ dịch vụ và khách sạn. Hai tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay là Landmark 72 và Lotte Center Hanoi được đầu tư bởi các chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc đều là các khu phức hợp với nhiều hạng mục thương mại có quy mô lớn.
Ngoài ra, gần đây, tập đoàn Samsung đến từ Hàn Quốc cũng gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam với việc công bố đầu tư 300 triệu USD dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cao 21 tầng tại Hà Nội. Cùng với thành công của Lotte Center Hanoi, tập đoàn Lotte tiếp tục đầu tư một tổ hợp thương mại mới với quy mô lớn tại Võ Chí Công, Hà Nội.
CBRE cũng đưa ra nhận định, tại Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia chủ yếu ở mảng thị trường nhà ở và thương mại. Đối với thị trường nhà ở, ở cả sản phẩm chung cư và biệt thự nhà liền kề đều có những dự án đáng chú ý từ chủ đầu tư ngoại như Gamuda Land (nhà đầu tư từ Malaysia), Capitaland (đến từ Singapore đang xây dựng khu đô thị Seasons Avenue) hay Perdana (nhà đầu tư đến từ Malaysia đã mua lại dự án đình đám là biệt thự, nhà liền kề Parkcity tại quận Hà Đông). Phân khúc văn phòng hay bán lẻ cũng được các chủ đầu tư nước ngoài chú ý và nhà đầu tư thường chọn phương án mua lại các tòa nhà hiện hữu.
Nếu như trước đây, bất động sản giải trí chỉ tập trung ở khu vực phía Nam và miền Trung vì lợi thế du lịch và điều kiện thời tiết thuận lợi nhưng vài năm gần đây, trào lưu đầu tư bất động sản giải trí đã lấn sang cả khu vực phía Bắc, đa dạng cả về chủng loại và chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phát triển bất động sản giải trí chỉ dành cho các đại gia.
Giữa tháng 9/2016, tập đoàn Sun Group cũng tổ chức Lễ động thổ Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, Thủ đô Hà Nội có một công viên đẳng cấp quốc tế mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng, Công viên Kim Quy trải rộng trên diện tích hơn 100 ha, được thiết kế kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc ngàn đời của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu công ty BĐS Savills Hà Nội cho hay, việc các đại gia trong lĩnh vực bất động sản như Sungroup, Vingroup, FLC Group…đầu tư những khoản tiền lớn vào lĩnh vực bất động sản giải trí là do thị trường Việt Nam hiện đang thiếu các khu vui chơi giải trí đẳng cấp và hiện đại.
Bên cạnh đó, bất động sản giải trí còn là chất xúc tác, thu hút lượng khách lớn từ các khu vực lân cận dự án và cả các hạng mục bất động sản khác khác ví dụ như bán lẻ, tiêu dùng hay trong một số trường là nghỉ dưỡng... Dù còn nhiều khó khăn nhưng việc phát triển bất động sản giải trí sẽ trở thành xu hướng của các nhà đầu tư trong thời gian tới.