Bất động sản tiếp đà tăng trưởng

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều thông số đáng mừng đã được phát đi từ báo cáo mới đây của Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam. Lượng cung –cầu đều tăng trên thị trường. BĐS đón nhận nguồn vốn mạnh mẽ hơn, đồng thời giới doanh nghiệp (DN) địa ốc cũng từng bước thay đổi cách thức làm ăn để tồn tại trong khung pháp lý mới chặt chẽ hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong tháng 10, thị trường BĐS Hà Nội và Tp.HCM ghi nhận khoảng 3.250 giao dịch thành công (tăng 3% so với tháng trước). Gộp 10 tháng đầu năm, có khoảng 21.150 giao dịch thành công.

VnRea đánh giá, thị trường BĐS tiếp tục đà tăng trưởng nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi, xu hướng M&A trong lĩnh vực BĐS – có khả năng bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017.

Cung tăng, thanh khoản cải thiện

Báo cáo của VnRea cho biết, thị trường BĐS tháng 10/2015 cơ bản ổn định, ít biến động. Lượng giao dịch có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.

Giá nhà ở trong tháng 10/2015 tương đối ổn định, một số dự án tại các khu vực trung tâm, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ. Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, tháng 10 chứng kiến khoảng 1.650 giao dịch thành công tăng khoảng 3% so với tháng trước, tăng khoảng 32% so cùng kỳ 2014. Đến hết tháng 10 vừa qua, Hà Nội có 6.950 giao dịch thành công, tăng 70% so với số giao dịch thành công cùng kỳ năm trước.

Thị trường Tp.HCM ghi nhận khoảng 1.600 giao dịch thành công (tăng khoảng 3% so tháng 9 và tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm 2014). Tính đến hết tháng 10/2015, Tp.HCM có khoảng 6.700 giao dịch thành công, tăng gần hai lần số giao dịch thành công cùng kỳ năm trước. Giao dịch nhà phố, đất nền cũng tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước, giao dịch thành công nhiều ở khu vực đang phát triển.

“Tin vui” còn đến từ giá nhà ở tại hai đầu thị trường phát triển bậc nhất cả nước. VnRea thông tin, giá nhà ở trong tháng 10/2015 tương đối ổn định, một số dự án tại các khu vực trung tâm, triển khai đúng tiến độ giá chào bán tăng nhẹ.

Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư phần lớn giữ giá ổn định, một số dự án đang hoàn thiện, có vị trí tốt, giá tăng khoảng 3% –5%. Đáng chú ý, không riêng các dự án có căn hộ diện tích nhỏ, sở hữu vị trí ở khu vực có hạ tầng tốt, giá cả hợp lý, chủ đầu tư có uy tín… dự án căn hộ chung cư trung, cao cấp đang triển khai có vị trí đẹp, với tiến độ nhanh cũng được nhiều khách hàng quan tâm.

 Bất động sản tiếp đà tăng trưởng  - Ảnh 1

Niềm tin của người mua nhà vào thị trường dần được khôi phục và củng cố nhờ nền tảng vĩ mô tốt.

Tồn kho giảm, cơ hội mở rộng

Ở một diễn biến khác, giá nhà ở tại thị trường phía Nam những tháng gần đây tương đối ổn định, không nhiều biến động và chỉ tăng nhẹ ở một số dự án sắp hoàn thành, có hạ tầng tốt.

Dẫu vậy, vẫn cần lưu ý tới chi tiết “thị trường Bất động sản 10 tháng vẫn tiếp tục ổn định, mặc dù lượng giao dịch có xu hướng chững lại” mà VnRea đưa ra trong Báo cáo.

BĐS phục hồi tích cực là yếu tố kéo theo lượng tồn kho được kéo giảm. Tính đến 20/10/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 56.286 tỷ đồng (so với quý I/2013 giảm 72.262 tỷ đồng (giảm 56,21%); so với tháng 12/2013 giảm 38.172 tỷ đồng (giảm 40,41%); so với thời điểm 20/9/2015 giảm 3.109 tỷ đồng.

Chi tiết, lượng tồn kho căn hộ chung cư còn 9.562 căn (tương đương 14.988 tỷ đồng); tồn kho nhà thấp tầng còn 7.883 căn (14.182 tỷ đồng); đất nền nhà ở: 7.003.893m2 (22.571 tỷ đồng)…

Ở thị trường Hà Nội, giá trị bất động sản tồn kho còn khoảng 7.302 tỷ đồng (giảm 247 tỷ đồng so tháng 9). Đáng chú ý, giá trị tồn kho lớn vẫn nằm ở phân khúc nhà thấp tầng (2.272 căn, tương đương 6.675 tỷ đồng). Giá trị BĐS tồn kho cao nhất cả nước thuộc về Tp.HCM (11.014 tỷ đồng). Ghi nhận tháng 10, tồn kho địa ốc tại địa bàn này giảm thêm 354 tỷ đồng so tháng 9.

Tương tự Hà Nội, phân khúc có giá trị tồn kho cao nhất tại thị trường Tp.HCM là nhà thấp tầng (516 căn, tương đương 1.444 tỷ đồng).

Một trong nhiều điểm sáng của thị trường BĐS, chính là bức tranh thu hút FDI. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), 10 tháng đầu 2015, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư FDI được 2,13 tỷ USD, chiếm 11,1% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, thị phần Tp.HCM đón nhận 7 dự án – vốn đầu tư 1.429 triệu USD (chiếm 58,9%): tiêu biểu như Dự án Empire City có vốn đầu tư 1,2 tỷUSD, quỹ đầu tư Nhật Bản đầu tư 200 triệu USD vào BĐS An Gia…

Đặt trong bối cảnh khu vực, BĐS Việt Nam được cho là hấp dẫn nhất. Nhận định này được hàng loạt chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực BĐS đưa ra tại Hội nghị báo cáo tình hình BĐS (vừa diễn ra tại Singapore).

Cụ thể, trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Malaysia đang chứng kiến cảnh đồng tiền mất giá nhanh, Thái Lan tiếp tục vất vả với các vấn đề nội bộ, Myanmar đối mặt với tình trạng nguồn cung tăng mạnh, Singapore đang bị tác động bởi các biện pháp xoa dịu thị trường hơi quá tay.

Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua một thời gian dài khắc phục khó khăn và dường như đã sẵn sàng để dẫn đầu thị trường khu vực trong vòng 2-3 năm tới.