Bất động sản: Không thể chủ quan
Thời quan qua, các nhà đầu tư đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản Việt Nam. Kéo theo đó là những lo ngại về nguy cơ “bong bóng” bất động sản.
Tăng trưởng toàn diện
Tại phiên chất vấn ngày 17/11 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, từ cuối năm 2013 đến nay, với nhiều giải pháp được thực hiện, thị trường bất động sản Việt Nam đã từng bước được cải thiện và phục hồi rất tích cực. Từ đó đã góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người dân, trong đó có những người dân nghèo, không đủ khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường.
Thời gian qua, ngành Xây dựng đã phải cơ cấu lại nguồn cung bất động sản, tăng cường cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, ngành Xây dựng cơ bản hoàn thành việc rà soát, phân loại các dự án phát triển đô thị, nhà ở trên phạm vi cả nước.
Nhờ đó, năm 2014, tại Hà Nội có 11.550 giao dịch thành công (tăng gần 2 lần so với 2013), TP. Hồ Chí Minh có khoảng 10.350 giao dịch thành công (tăng gần 1,3 lần so với 2013). Trong 9 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có khoảng 14.550 giao dịch thành công; tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 13.850 giao dịch thành công (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2014). Thị trường sôi động đã kéo theo sự phục hồi của nghề môi giới bất động sản. Thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp thành lập hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản tăng vượt trội đến 78,7% so với cùng kỳ năm 2014; số doanh nghiệp giải thể giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2014.
Về những lo ngại nguy cơ "bong bóng" bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra rằng, hiện tượng bong bóng thường chỉ xảy ra khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, các thị trường khác hoạt động không ổn định, nguồn cung thiếu, chính sách tài chính tín dụng lỏng lẻo, chứng khoán hóa bất động sản, hạ chuẩn cho vay mua nhà, thiếu kiểm soát của Nhà nước (nhất là quản lý đô thị)... Như vậy, đối với tình hình kinh tế vĩ mô phục hồi khá bền vững như hiện nay của Việt Nam, ông Dũng khẳng định rất khó xảy ra "bong bóng" bất động sản.
Không chủ quan
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cảnh báo, thị trường bất động sản ấm lên cũng đồng nghĩa với đầu cơ xuất hiện. Ông cho biết, có tình trạng một số dự án khách hàng mua cao hơn giá chủ đầu tư bán, một số có vị trí tốt, tiến độ thi công nhanh... thì giá cũng khá cao do chủ đầu tư chủ động tăng, trong khi đó, nhiều dự án khác cũng rục rịch khởi công. Bởi vậy, không thể chủ quan với thị trường bất động sản trong lúc này.
Thay vào đó, cần chủ động để phát triển lĩnh vực bất động sản theo hướng ổn định, thực hiện các giải pháp về kiểm soát phát triển thị trường bất động sản gắn với chiến lược nhà ở. Trong đó, tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản, tái cơ cấu các sản phẩm bất động sản, đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản để người tiêu dùng đều được cải thiện về nhà ở theo khả năng thanh toán và có thể có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời, hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, phát triển nhà ở và kinh doanh bất động sản; kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; kiểm soát thị trường tài chính tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào bất động sản; tái cấu trúc doanh nghiệp bất động sản, tăng tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp để khắc phục sản phẩm kém chất lượng, doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh gây thiệt hại cho kinh tế và người tiêu dùng...