Bất động sản Việt: Cơ sở của kỳ vọng
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt sôi động với sự tham gia của các tập đoàn nước ngoài, song các nhà phát triển dự án trong nước vẫn giữ thế “thượng phong”.
Theo ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cùng với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực từ năm tới, cộng thêm việc Việt Nam đang tham gia vào nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới… các nhà đầu tư nước ngoài đã dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực BĐS.
Cùng với đó, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực với những quy định mở rộng hơn về điều kiện kinh doanh; cho phép DN trong và ngoài nước tham gia, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Đây là cơ hội để các nhà phát triển dự án, tập đoàn đa quốc gia tăng cường các hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tại Việt Nam.
Cùng với chính sách mở cửa, Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trị giá hàng tỷ USD trong lĩnh vực xây dựng và BĐS, đứng thứ 2 trên tổng số 17 lĩnh vực về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó có thể kể đến những dự án “khủng” được nhà đầu tư ngoại rót vốn trong năm 2018 như siêu dự án đô thị thông minh của Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) sẽ được xây dựng với tổng vốn đầu tư lên đến 4,1 tỷ USD, trên diện tích 272ha.
Cùng thời điểm, nhà đầu tư Hàn Quốc cũng chuẩn bị cho kế hoạch triển khai khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, trị giá 600 triệu USD. Đó là chưa kể đến dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô mà nhà đầu tư Singapore đã được cấp phép tăng vốn lên gần 2 tỷ USD... với nguồn vốn ngoại dồi dào đổ vào khiến cho thị trường BĐS Việt thêm phần sôi động.
Tuy nhiên, theo ông Stephen Watt - Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường BĐS Jones Lang LaSalle (JLL), thị trường BĐS Việt Nam hiện vẫn đang được “dẫn dắt” bởi các nhà phát triển dự án trong nước đối với nhiều phân khúc của thị trường từ nhà ở thương mại, văn phòng cho thuê cho đến khu du lịch nghỉ dưỡng.
Quan trọng đối với thị trường BĐS hiện nay không chỉ đơn thuần nằm ở vấn đề nguồn lực mà so với “đối thủ” cạnh tranh đến từ nước ngoài, nhà đầu tư trong nước có lợi thế hơn trong quá trình lập và triển khai dự án từ việc nắm được tâm lý khách hàng, am hiểu thị trường, thông thuộc hành lang pháp lý và nhất là luôn nắm trong tay quỹ đất sạch... để có cơ hội “đi trước đón đầu” triển khai dự án phù hợp với “điểm rơi” của thị trường.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho rằng, nếu như ở một vài lĩnh vực, mảng miếng kinh doanh khác, nhiều tập đoàn nước ngoài chiếm được ưu thế do tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm lâu năm, tầm nhìn dài hạn... thì đối với thị trường BĐS trong những năm gần đây, DN trong nước vẫn đang cho thấy vị thế chủ đạo, dẫn dắt thị trường và xu thế không ngừng phát huy thế mạnh sẵn có của mình trên “sân nhà”.
“Khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đã có ý kiến quan ngại nhà đầu tư nước ngoài sẽ chiếm ưu thế thị trường BĐS. Nhưng, trên thực tế cho đến nay, các DN Việt Nam vẫn đang thống lĩnh thị trường với rất nhiều thương hiệu BĐS Việt Nam đã và đang tạo lập được uy tín, vị thế trên thương trường như Vingroup, Him Lam, Bitexco, Novaland, Nam Long, Thủ Đức House, Sơn Kim Land, Kiến Á, An Gia, SunGroup, Khang Điền, Phú Long, Hưng Thịnh, Phúc Khang, City Land, Phát Đạt, Vạn Thịnh Phát, CenGroup, Tiến Phước, Vietcomreal...”, ông Châu khẳng định.
Cũng theo HoREA, TP. Hồ Chí Minh đã có gần 16.500 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 186.000 tỷ đồng, tăng 6,5% về số lượng DN và giảm hơn 4% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 3.385 DN đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, chiếm tỷ lệ 20,5%.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác đó là nếu như năm 2017 mới chỉ có 11 DN BĐS lên sàn chứng khoán; thì từ đầu năm 2018 thị trường đã chứng kiến một “làn sóng” lên sàn với những cái tên như Vinhomes, Net Land, Văn Phú Invest, Đạt Phương, Hải Phát, CenLand, Hưng Thịnh Construction, MBland... cho thấy các DN BĐS trong nước đang nỗ lực chuẩn hóa hoạt động kinh doanh, nâng tầm quản trị, tạo điều kiện huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, đây cũng là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, nâng cao tính minh bạch và hội nhập quốc tế của DN BĐS Việt.
TS. Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội các Nhà quản trị DN Việt Nam nêu quan điểm, mặc dù thời gian qua, thị trường đã chứng kiến những nỗ lực to lớn của các nhà đầu tư, phát triển dự án BĐS trong và ngoài nước khi liên tục tung ra các sản phẩm mới, đa dạng về tiện ích, đồng bộ về dịch vụ và chất lượng. Nhất là xu hướng hình thành các dự án đại đô thị đa chức năng, ứng dụng công nghệ trong dự án BĐS… góp phần phát triển bộ mặt đô thị và phục vụ nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, thị trường cũng bộc lộ một số bất cập như sự lệch pha cung cầu, thiếu nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội, thừa căn hộ siêu sang, khả năng thanh khoản thấp, nguồn nội lực của DN trong nước còn hạn chế, thông tin dự án chưa thực sự công khai, minh bạch... Điều này đòi hỏi các DN BĐS trong nước phải nỗ lực không ngừng để chuẩn hóa, cạnh tranh sòng phẳng trong một sân chơi bình đẳng với các DN, tập đoàn BĐS lớn mạnh đến từ nước ngoài.
“Những gì đã đi qua và được chứng kiến sẽ tạo tiền đề cho một thị trường BĐS trong năm 2019 và những năm tiếp theo phát triển ổn định. Và khi nhu cầu sử dụng thực chất BĐS đang ngày càng tăng lên rõ rệt sẽ tạo cơ hội cho các chủ đầu tư cơ cấu, định hướng lại kế hoạch, chiến lược phát triển kinh doanh. Điều này cho thấy dấu hiệu của thị trường BĐS phát triển bền vững, lâu dài và ngày càng tiệm cận với xu hướng chung của thế giới”, ông Tiến lạc quan khi nhìn về triển vọng trong tương lai của thị trường BĐS Việt.