Bất động sản xuất hiện đã tình trạng găm hàng, đẩy giá
(Tài chính) Đó là tiết lộ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại hội nghị triển khai chương trình tín dụng tại Hà Nội ngày 17/4.
Những con số biết nói
Ngay tại hội nghị, ông Nam, đã công bố những số liệu mới nhất của thị trường bất động sản mà Bộ Xây dựng vừa thống kê. Theo đó, thị trường bất động sản cả nước từ đầu năm đến nay đã có tín hiệu khởi sắc. Lượng hàng tồn kho bất động sản và vật liệu xây dựng đã giảm đáng kể, trong khi đó đà giảm giá bất động sản nhiều khu vực đã dừng lại, thậm chí có nơi còn có tình trạng găm hàng, đẩy giá.
Cụ thể, tại Hà Nội, tính đến ngày 15/4 đã có 2.300 giao dịch thành công, trong đó chỉ tính riêng 15 ngày đầu tháng 4 đã có 800 giao dịch thành công, bằng kết quả của cả quý I/2013.
“Các dự án nằm phía trong vành đai 3 đã không còn tình trạng giảm giá, thậm chí có dự án còn bị găm hàng và đã xuất hiện tiền chênh”, ông Nam nói và cho biết, đây là những dự án có vị trí tốt, chủ đầu tư tiềm lực tài chính mạnh, tiến độ đúng cam kết.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, theo ông Nam, tình hình tồn kho cũng đã được cải thiện. Lượng xi măng tồn kho chỉ còn khoảng 2,5 triệu tấn, tương đương với 15 ngày sản xuất; gạch ốp lát tồn 16 triệu m2, tương đương 2 tháng sản xuất; kính xây dựng tồn 12 triệu m2, tương đương 1,5 tháng sản xuất.
“Nếu lượng tồn xi măng xuống dưới 10 ngày sản xuất là bị báo động thiếu rồi, còn gạch ốp lát giảm 50% lượng tồn kho so với cùng kỳ, đặc biệt là kính xây dựng thời điểm này năm ngoái tồn kho đến 5 tháng sản xuất”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, thị trường bất động sản cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hiện cả nước đang có khoảng 2.800 dự án bất động sản các loại triển khai dở dang. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đa phần các dự án đình trệ do thiếu vốn.
“Nói thẳng ra là thời gian qua có nhiều chủ đầu tư đã làm ăn không giữ uy tín, tiền huy động được từ ngân hàng cũng như khách hàng đã không được sử dụng cho đúng dự án đó mà bị đem đi đầu tư ở nơi khác để kiếm lời, đến khi thị trường trầm lắng thì không còn vốn để hoàn thiện dự án”, ông Nam nói và cho rằng, chương trình tín dụng liên kết 4 nhà này có một mục tiêu quan trọng là đem lại niềm tin cho thị trường để từ đó giúp thị trường sớm hồi phục.
Thiếu tin tưởng dẫn đến đình trệ giao dịch
Tại hội nghị, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) cho biết, hiện trong lĩnh vực bất động sản đang có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi liên kết xây dựng. Sự thiếu tin tưởng này đã làm cho các giao dịch kinh tế (mua bán vật liệu xây dựng, thi công công trình dở dang; nộp tiền mua nhà theo tiến độ, thanh toán tiền xây dựng và vật liệu xây dựng…) của thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Chính vì vậy, theo ông Mai, mục tiêu của chương trình nhằm hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà, xây dựng Sàn kinh doanh vật liệu xây dựng chuyên nghiệp nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm lưu thông tiền mặt, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ...
Tuy nhiên, ngay tại hội nghị, nhiều DN vẫn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của mô hình liên kết 4 nhà này. Có DN còn thắc mắc, liệu khi mua vật liệu xây dựng qua sàn giao dịch do Công ty Thiên Thanh lập ra có bị làm khó dễ hay đội giá thành lên cao hay không?
Để trấn an các DN, ông Nam cho biết, đã tìm hiểu kỹ mô hình hoạt động này, trong đó vai trò của Công ty Thiên Thanh chỉ là trung gian, giúp các DN tìm nhau dễ dàng hơn, mà không có chuyện độc quyền hoặc thao túng giá ở đây.
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, sự dịch chuyển của lượng tiền tệ (tín dụng, tiền đầu tư, tiền đặt cọc) để hỗ trợ sự dịch chuyển hàng hóa (vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào). Hai khâu này tuy tách biệt nhưng lại là hai mặt của một đồng tiền và đáng lý phải gắn bó rất mật thiết với nhau. Nhưng thực tế những năm gần đây cho thấy, hai khâu này càng ngày càng tách rời nhau và gây nên khủng hoảng trong lĩnh vực xây dựng và thị trường bất động sản. Hàng hóa ứ đọng, không có người mua, hay mua mà không được thanh toán.
“Theo tôi, Chương trình 50.000 tỷ đồng đã thiết kế được một cơ chế hợp lý để nối kết hai khâu hàng hóa và tiền tệ/tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ. Cuối cùng kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các sản phẩm bất động sản, cũng như giúp tiêu thụ những sản phẩm này qua những chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia”, ông Hiếu nói.