Bất ngờ UPCoM: Vốn ngoại lái sang cổ phiếu yếu
6 tháng đầu năm 2016, khối ngoại đã mua ròng 334 tỷ đồng trên thị trường giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết (UPCoM). Xét trên từng mã cổ phiếu khối ngoại mua vào mạnh, có không ít yếu tố bất ngờ.
Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX), 2 quý đầu năm, trên thị trường UPCoM, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào xấp xỉ 17 triệu cổ phiếu, tương ứng 372,9 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 2,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 38,8 tỷ đồng. Như vậy, nửa đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng 14,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt hơn 334 tỷ đồng trên UPCoM.
Giao dịch mua của khối ngoại tập trung vào 10 mã cổ phiếu (với tổng khối lượng đạt 14,7 triệu đơn vị); trong đó, có các mã có yếu tố cơ bản tốt, doanh nghiệp có thương hiệu bền vững trên thị trường như GEX (Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam – Gelex), VLC (Tổng CTCP Chăn nuôi Việt Nam), VGG (Tổng công ty May Việt Tiến), ABI của CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp; WSB của CTCP Bia Sài Gòn Miền Tây…
Điểm bất ngờ là vốn ngoại lại tìm đến nhiều doanh nghiệp nhỏ trên sàn UPCoM. Trong khi đó, trên sàn niêm yết, khẩu vị đầu tư ổn định của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, triển vọng kinh doanh tốt và minh bạch.
Từ đầu năm đến nay, các nhà tư ngoại đã mua vào tổng cộng hơn 1,27 triệu cổ phiếu PHH; trong đó, Quỹ Asean Deep Value mua vào 1,09 triệu cổ phiếu. Với động thái này, ASEAN Deep Value nâng tỷ lệ sở hữu tại PHH từ 9,15% lên 15,17%. PHH từng là doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX, phải hủy niêm yết bắt buộc từ năm 2015 do báo cáo tài chính năm 2014 của Công ty bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến. Cơ sở của việc kiểm toán từ chối đưa ý kiến là kiểm toán viên không thể khẳng định được tính hiện hữu của khoản đầu tư và khoản phải thu với tổng giá trị lên tới 142 tỷ đồng, chiếm 52,5% giá trị tài sản thuần của Công ty tại thời điểm cuối năm 2014. Công ty cũng không trích lập dự phòng với khoản phải thu khó đòi với một số khoản phải thu của khách hàng đã quá hạn thanh toán.
Hồi tháng 3 năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt 50 triệu đồng với PHH vì công bố thông tin không đúng thời hạn báo cáo tài chính năm 2014 đã được kiểm toán công ty mẹ và hợp nhất, báo cáo thường niên năm 2014, báo cáo tài chính quý 1/2015 hợp nhất.
Năm 2015, PHH báo lãi hợp nhất trên 8 tỷ đồng trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Quý đầu năm nay, Công ty báo lãi sau thuế hơn 8 tỷ đồng. Năm 2016, PHH đặt kế hoạch doanh thu 1.463 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15,5 tỷ đồng, cổ tức 5%.
Một cổ phiếu khác lọt Top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua vào mạnh nhất 6 tháng đầu năm là mã STL của CTCP Sông Đà Thăng Long, với tổng khối lượng 418.400 đơn vị. Toàn bộ lượng giao dịch này cũng được thực hiện bởi Quỹ Asean Deep Value Fund, cổ đông lớn thứ hai của STL.
Sau khi mua thêm 418.400 cổ phiếu từ cuối tháng 1/2016, Asean Deep Value Fund đã nâng lượng nắm giữ cổ phiếu STL từ 1,38 triệu đơn vị lên 1,8 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 9,25% lên 12,03%.
Quyết định nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu STL của Quỹ Asean Deep Value khá bất ngờ với giới đầu tư, bởi tình hình kinh doanh của STL chưa có dấu hiệu khởi sắc sau nhiều năm thua lỗ nặng nề. Theo số liệu công bố mới nhất của STL, tính đến cuối năm 2015, STL lỗ lũy kế gần 2.400 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 2.200 tỷ đồng. Kết quả này cũng khiến STL bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trên UPCoM từ 22/6/2016. Năm 2016, STL đặt kế hoạch doanh thu 330 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần kết quả thực hiện năm 2015, tuy nhiên không đặt ra mục tiêu lợi nhuận.
Ngoài PHH và STL, đáng chú ý trong nhóm 10 cổ phiếu được khối ngoại mua vào mạnh nhất 6 tháng đầu năm, có các các cổ phiếu ngành cấp thoát nước gồm BTW của CTCP Cấp nước Bến Thành, GDW của CTCP Cấp nước Gia Định, NTW của CTCP Cấp nước Nhơn Trạch.
Giao dịch chủ yếu của nhóm này được thực hiện bởi AMERICA LLC. Nửa đầu năm 2016, tổ chức này đã mua vào 1,13 triệu cổ phiếu BTW và 149.699 cổ phiếu NTW để năng tỷ lệ sở hữu tại 2 công ty này lên lần lượt 18,87% và 12,11%.