Bất ổn chính trị tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giảm dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2025 xuống 1,6-1,7% thay vì mức 1,9% tháng 11/2024, trước sự cố bất ổn chính trị.
Trong báo cáo ngày 21/1, BOK tuyên bố rằng: “Những cú sốc chính trị diễn ra sau lệnh thiết quân luật bất ngờ vào tháng 12 và vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air đã làm giảm tiêu dùng trong nước và đầu tư vào ngành xây dựng”.
Sự cố thiết quân luật do Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố vào tháng trước đã có tác động trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế của Hàn Quốc. Mức độ tổn thất quy đổi được các chuyên gia dự đoán có thể lên tới 6,3 nghìn tỷ Won (tương đương 4,39 tỷ USD).
Theo BoK, nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục giảm do bất ổn chính trị là yếu tố chính khiến tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm 2025 sẽ giảm khoảng 0,2%. BoK dự đoán tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2025 ở mức 1,6-1,7%. Trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố tháng 11/2024 trước khi sự cố thiết quân luật xảy ra, BoK dự đoán tốc độ tăng trưởng năm 2025 của Hàn Quốc là 1,9%.
Các chuyên gia phân tích cho biết với tốc độ tăng trưởng năm 2025 là 1,9%, GDP thực tế của Hàn Quốc sẽ là 2,335 triệu tỷ Won. Nếu tăng trưởng GDP giảm 0,2% xuống 1,7%, GDP thực tế sẽ giảm 4,584 nghìn tỷ Won xuống còn 2,330 triệu tỷ Won.
Hậu quả của thiết quân luật dự kiến cũng ảnh hưởng đến GDP trong quý IV năm 2024. BoK dự đoán tốc độ tăng trưởng trong quý 4/2024 chỉ đạt 0,2%, thấp hơn một nửa so với mức dự báo trước đó là 0,5%.
Theo BoK, chi tiêu thẻ tín dụng vào đầu tháng 12/2024, vốn đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước đó, đã giảm 0,9% trong tuần cuối cùng của tháng 12 và giảm 0,8% từ ngày 1 đến ngày 12 tháng 1 năm nay. Tâm lý người tiêu dùng giảm đáng kể trong mùa lễ cuối năm, thông thường được xem là một giai đoạn chi tiêu mạnh của người tiêu dùng Hàn Quốc, phản ánh tác động của tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra đối với nền kinh tế.
Đầu tư xây dựng cũng chững lại. Doanh số bán căn hộ trong tháng 12/2024 đạt 21.000 căn, giảm 17,2% so với kế hoạch là 25.000 căn.
Nhiều chuyên gia còn dự đoán rằng trên thực tế, tác động trực tiếp và gián tiếp của sự cố chính trị vừa qua tại Hàn Quốc còn có thể vượt quá con số này. Chẳng hạn như tỷ giá hối đoái giữa đồng Won và USD tăng mạnh đã hạn chế chính sách tiền tệ trong tương lai. Với những yếu tố rủi ro từ trong và ngoài nước, rất khó để đánh giá chính xác quy mô tác động kinh tế tổng thể. Thậm chí còn có nhiều lo ngại cho rằng, bất ổn chính trị có thể trở thành vấn đề lớn hơn nếu không được giải quyết nhanh chóng, và nền kinh tế có thể phải đối mặt với thêm nhiều rủi ro.