Bất ổn gia tăng - Thị trường tài chính ngày càng hỗn loạn

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Thị trường tài chính toàn cầu lại đang trải qua những ngày hỗn loạn nhất trong 10 năm trở lại đây, khi giá các tài sản tăng vọt, rồi lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp.

 Sự hỗn loạn của các thị trường trong những ngày qua khiến các kênh đầu tư hiện nay rơi vào trạng thái rủi ro cực độ, tuy nhiên đó cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tay đầu cơ thích lướt sóng kiếm lời nhanh.
Sự hỗn loạn của các thị trường trong những ngày qua khiến các kênh đầu tư hiện nay rơi vào trạng thái rủi ro cực độ, tuy nhiên đó cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tay đầu cơ thích lướt sóng kiếm lời nhanh.

Tăng giảm bất thường

Ngày 5/8/2019, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ rớt hơn 540 điểm, với biên độ dao động lên đến gần 740 điểm. Ba ngày liên tiếp sau đó, thị trường phục hồi hơn 660 điểm, hai ngày kế tiếp lại giảm hơn 470 điểm. Ngày 13/8/2019 lấy lại được hơn 390 điểm, nhưng đến ngày 14/8/2019 lao dốc 556 điểm và hai ngày cuối tuần tăng trở lại hơn 400 điểm.

Dù vậy, tính chung trong nửa tháng 8/2019 vừa qua, chỉ số Dow Jones đã mất hơn 1.350 điểm, tương đương 5%. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận hàng loạt phiên giao dịch liên tiếp có biên độ dao động lên đến hàng trăm điểm, đánh dấu sự biến động mạnh khó lường đã quay trở lại.

Bên kia bờ Thái Bình Dương, chỉ số Shanghai của Trung Quốc lao dốc gần 4%, còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm đến 7%, đánh dấu tốc độ giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 5%, còn chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng giảm đến 4,6%.

Thống kê như vậy để cho thấy sự khốc liệt mà các thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đang phải trải qua trong giai đoạn hiện nay, khi dòng tiền có xu hướng rút khỏi những tài sản rủi ro như chứng khoán.

Mà đâu chỉ riêng cổ phiếu, các kênh đầu tư khác như dầu hay vàng cũng đang nhảy múa khó lường. Trong tuần đầu tiên của tháng 8/2019, giá dầu WTI của Mỹ từ đỉnh cao hơn 58 USD/thùng chìm sâu về vùng 50 USD/thùng, tức mất giá gần 14%. Trong tuần thứ hai, giá năng lượng này bất ngờ phục hồi trở lại, lên gần 57,5 USD, tương đương mức tăng giá đến 15%.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên thị trường vàng, khi các phiên tăng giảm đan xen với biên độ lớn khiến không ít người trở tay không kịp. Dù giá vàng tăng đến 7% chỉ trong nửa đầu tháng 8, nhưng tại vùng giá đỉnh cao nhất trong 6 năm như hiện nay, rủi ro điều chỉnh trở nên khó lường, nhà đầu tư rất dễ bị thiệt hại nếu không tỉnh táo bắt đúng sóng.

Trên thị trường tiền tệ, đồng CNY của Trung Quốc cũng đang bay lượn ngay trên lằn ranh đỏ ở mốc 7 CNY ăn 1 USD. Sau khi phá giá mạnh vào ngày 2 và 5/8/2019, cặp tỷ giá USD/CNY đã tăng lên mức cao nhất ở 7,07 vào ngày 13/8/2019, rồi giảm mạnh về lại 7,01 ngay sau đó. Tuy nhiên, đồng won của Hàn Quốc mới là đồng tiền mất giá mạnh nhất tại châu Á, khi rớt hơn 3,5% so với USD chỉ trong nửa tháng qua. 

Rủi ro không chỉ ở chiến tranh thương mại

Xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang từ đầu tháng 8, sau đó có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Tổng thống Trump tuyên bố có thể hoãn áp thuế ở một số mặt hàng, khiến các thị trường nhảy múa chóng mặt. Mỗi dòng chia sẻ trên Twitter hiện nay của ông Trump về cuộc chiến thương mại khiến các nhà đầu tư thấp thỏm không yên, phải theo dõi sát nút để phản ứng kịp với diễn biến của thị trường.

Không chỉ ở quan hệ Mỹ - Trung, căng thẳng thương mại gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng góp phần gia tăng bất ổn. Nhật Bản đã bất ngờ quyết định loại bỏ Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" bao gồm 27 quốc gia được ưu đãi về thương mại, hạn chế xuất khẩu nhiều loại mặt hàng sang Hàn Quốc, khiến làn sóng tẩy chay hàng Nhật Bản tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng, trong khi chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố loại Nhật Bản khỏi nhóm đối tác thương mại tin cậy.

Bất ổn chính trị tại Hồng Kông với các cuộc biểu tình của người dân chống chính quyền ngày càng gia tăng, khiến các chuyên gia phân tích ngày càng lo ngại khả năng Bắc Kinh có thể sớm triển khai quân đội để dập tắt và mang lại những hệ lụy khó lường. Nền kinh tế Trung Quốc gần đây đã gánh lấy không ít tổn thương do cuộc chiến thương mại với Mỹ, giờ đây kinh tế Hồng Kông đang trải qua những ngày tháng kiệt quệ do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình.

Sự thất bại của đương kim Tổng thống Mauricio Marci trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Argentina mới đây cũng tác động mạnh đến niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu. TTCK Argentina có lúc giảm 35% trong phiên giao dịch ngày 12/8/2019, trong khi đồng Peso có thời điểm giảm 30%.

Ngày 16/8/2019, hãng Fitch đã hạ hai bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Argentina, làm tăng nguy cơ khiến quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng vỡ nợ có chủ quyền. Khủng hoảng tại Argentina có thể lan sang các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác, có thể khiến dòng vốn đầu tư quốc tế tháo chạy.

Hệ quả là trên thị trường trái phiếu, dòng tiền đang ồ ạt đổ vào như là một tài sản trú ẩn an toàn bên cạnh vàng, khiến lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ giảm về thấp hơn trái phiếu ngắn hạn, gây ra tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược, khiến nhiều nhà đầu tư càng thêm hoảng loạn trước nỗi sợ hãi khủng hoảng sắp đến gần ngay trước mắt.

Cụ thể, ngày 14/8/2019, lợi suất trái phiếu 10 năm rớt về mức 1,623%, thấp hơn lợi suất hai năm là 1,634%, trong khi lợi suất trái phiếu 30 năm giao dịch quanh mức 2,061%, thấp nhất mọi thời đại.

Sự hỗn loạn của các thị trường trong những ngày qua khiến các kênh đầu tư hiện nay rơi vào trạng thái rủi ro cực độ, tuy nhiên đó cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tay đầu cơ thích lướt sóng kiếm lời nhanh. Như ở thị trường dầu vừa qua, nhà đầu tư nào nhanh nhạy bắt đúng nhịp tăng giảm như trên, đã có thể bỏ túi gọn ghẽ 30% mức sinh lời chỉ trong vòng nửa tháng. Rủi ro đang gia tăng nhưng rõ ràng cơ hội cũng không mất đi cho những tay chơi lão luyện. 

Trong tuần đầu tiên của tháng 8/2019, giá dầu WTI của Mỹ từ đỉnh cao hơn 58 USD/thùng chìm sâu về vùng 50 USD/thùng, tức mất giá gần 14%. Trong tuần thứ hai, giá năng lượng này bất ngờ phục hồi trở lại lên gần 57,5 USD, tương đương mức tăng giá đến 15%.