Bật sáng thị trường chứng khoán Việt Nam
(Tài chính) Vinamilk, Vingroup, PVDrilling, Đạm Phú Mỹ, FPT, HPG, BVH, VCB, MBB… là những doanh nghiệp (DN) nổi bật trên thị trường chứng khoán (TTCK) về hiệu quả hoạt động và sự vững bước trong kinh doanh.
Cùng với nhiều DN hiệu quả khác đang niêm yết trên 2 sàn, khối DN này kết thành điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của TTCK Việt Nam, là tâm điểm thu hút các dòng vốn lớn.
Lãi lớn, đóng thuế rất lớn
Năm 2012, tổng số tiền thuế thu nhập DN (TNDN) thực nộp của công ty chứng khoán (CTCP) Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất là hơn 1.073 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh so với năm 2011 là trên 793 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ nhiều hơn một chút so với con số thuế thực nộp của Vinamilk 9 tháng đầu năm 2013, đạt 1.018,55 tỷ đồng.
Trên 1.000 tỷ đồng tiền thuế TNDN thực nộp của riêng Vinamilk là một con số ấn tượng và rất có ý nghĩa khi hàng loạt DN trong mấy năm gần đây thua lỗ, phá sản.
Tuy nhiên, “quán quân” trên sàn niêm yết về nộp thuế TNDN phải kể đến Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS).
Theo số liệu từ BCTC hợp nhất đã kiểm toán, tổng số thuế TNDN thực nộp của GAS năm 2012 lên tới gần 1.982 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số 1.038 tỷ đồng năm 2011.
9 tháng đầu năm 2013, GAS tiếp tục “vượt qua chính mình” khi có số thuế TNDN thực nộp là gần 2.300 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số của cả năm 2012. Nếu đà tăng trưởng được duy trì cho cả năm 2013, GAS có thể sẽ cán đích 3.000 tỷ đồng tiền nộp thuế TNDN cho ngân sách nhà nước.
Ngoài GAS, Vinamilk, nhiều DN khác cũng ghi nhận số thuế TNDN khổng lồ thực nộp cho Nhà nước như: Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội, Vingroup…
Năm 2012, nhóm các DN niêm yết có quy mô lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng đóng góp trực tiếp và gián tiếp (qua hệ thống công ty con) khoảng 12.000 tỷ đồng thuế TNDN thực nộp. 9 tháng đầu năm 2013, TOP 15 DN niêm yết lớn trên TTCK đã nộp tới trên 10.326 tỷ đồng thuế TNDN.
Điều đáng chú ý là, con số thống kê nói trên mới chỉ phản ánh nghĩa vụ nộp thuế TNDN. Trong khi đó, DN tham gia vào nền kinh tế còn phải thực hiện nhiều nghĩa vụ khác và vì thế, đóng góp ngân sách nhà nước của các DN nói trên là rất đáng ghi nhận. Năm 2013, TTCK đón thêm một số DN vào Câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Cơ điện lạnh (REE)..., bên cạnh những DN lớn giữ vững hiệu quả kinh doanh, các DN niêm yết trên TTCK dự kiến sẽ còn tăng tỷ lệ đóng góp nhiều hơn nữa trong tổng nguồn thu ngân sách nước nhà.
Giải quyết hàng triệu việc làm
Tỷ lệ người thất nghiệp luôn là một trong những tiêu chí quan trọng khi đánh giá diễn biến tích cực hay u ám của mỗi nền kinh tế. Chính vì thế, vai trò giải quyết việc làm cho người lao động của các DN luôn được đánh giá rất cao, vì điều này chính là một yếu tố góp phần tạo nên sự bình ổn xã hội. Xét trên khía cạnh này, các DN lớn trên TTCK có những đóng góp không nhỏ.
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG), hết quý III/2013, Vietinbank có 19.753 người lao động đang làm việc. Đây là DN sử dụng lượng lao động lớn nhất, tính trên các DN niêm yết hiện nay.
Thống kê 16 DN có quy mô lợi nhuận ngàn tỷ cho thấy, tổng số lao động 15 đơn vị có số liệu này sử dụng cuối năm 2012 lên tới gần 119.700 người!
Một phép so sánh đơn giản, nếu một DN nhỏ và vừa có số lao động chưa tới 300 người, thì một mình Vietinbank đã có thể giải quyết số lao động tương ứng khoảng 66 DN nhỏ và vừa... cỡ lớn.
Không chỉ giải quyết lượng việc làm khổng lồ, đóng góp của các đơn vị nói trên vào tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng rất lớn.
Tính cho 15 đơn vị có thống kê, tổng chi phí nhân công năm 2012 là hơn 22.700 tỷ đồng. Với thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở Việt Nam là khoảng 1.000 USD/người /năm, các DN này đã đóng góp lượng thu nhập cho tương đương 1 triệu người.
Và những tượng đài…
Kinh doanh hiệu quả góp phần mang lại lợi ích lớn cho cổ đông, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho lượng lớn người lao động... Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì các DN lớn làm được. Có những điều lớn lao hơn khi DN nỗ lực tạo nên những công trình thế kỷ, ghi dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế hay có những đóng góp đặc biệt vào việc thúc đẩy sự phát triển của con người Việt Nam.
Vingroup là một cái tên như thế. Có Vinpearl, Nha Trang, từ một thành phố bình dị, đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, đẹp bậc nhất thế giới. Với Times City, Royal City và hàng loạt công trình khác trước đó tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vingroup đã làm được điều mà ít DN Việt Nam làm được: xây dựng nên những tượng đài! Với những gì đã làm được, Vingroup xứng đáng là DN Việt đầu tiên có tỷ phú thế giới: ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup.
Khác với Vingroup, hoạt động trong một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt là sữa, thực phẩm đồ uống, CTCP Sữa Việt Nam ngoài việc kinh doanh làm giàu cho mình, còn hướng tới mục tiêu cao cả: cải thiện vóc dáng người Việt Nam.
Từ nhiều thập kỷ trước, thương hiệu sữa Ông Thọ đã trở nên thân thuộc với hàng triệu người dân Việt Nam. Giờ đây, nói đến sữa, người ta vẫn nghĩ nhiều hơn đến Vinamilk với thông điệp ăn sâu vào trí nhớ: Vóc sáng, dáng cao!
Phủ khắp thị trường Việt Nam, Vinamilk đang nỗ lực vươn tầm ra khu vực và quốc tế, với quy mô nằm trong những DN ngành sữa lớn trên thế giới. Sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế khi đánh giá về quy mô Vinamilk, tầm ảnh hưởng của người thuyền trưởng - Chủ tịch Mai Kiều Liên trên trường quốc tế, sự ghi nhận của công chúng đầu tư, khách hàng... là niềm tự hào của một thương hiệu Việt.
Một DN khác - CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng đã làm được điều mà ít DN trong nước làm được, đó là xây dựng, triển khai một chuỗi giá trị đầy đủ cho ngành thép. Từ khai thác quặng, luyện kim, cán thép, đến chế biến thành phẩm, một quy trình hoàn chỉnh đã giúp Hòa Phát không ngừng phát triển, từng bước ghi nhận con số lợi nhuận lớn, ngay cả trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn.
Còn nhiều DN lớn như PVDrilling, FPT, BVH, SSI… đang nỗ lực hàng ngày để tạo nên sự phát triển vượt bậc trong kinh doanh và xây những giá trị riêng cho DN Việt trên trường quốc tế. Nếu có ngày Việt Nam có nhiều hơn nữa những tên tuổi DN lớn như Vinamilk, Vingroup, Hòa Phát…, thì mục tiêu vươn lên, sánh vai với các cường quốc năm châu, đâu phải quá xa vời!