"Bắt tay" với doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Theo Lê Dung/Báo Đắk Nông

Chuyển đổi số sẽ tạo bước đột phá trong phát triển doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Hoạt động này càng được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn và coi đây như giải pháp để thích nghi trong giai đoạn mới.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tỉnh Đắk Nông về viễn thông, công nghệ thông tin
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tỉnh Đắk Nông về viễn thông, công nghệ thông tin

Xu thế tất yếu

Công ty cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song) hiện đang liên kết với khoảng 400 nông hộ trên địa bàn huyện Đắk Song để sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.

Để giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, Công ty hiện đã thiết lập sẵn một phần mềm kết nối với các nông hộ. Mỗi nông hộ đều có mã định danh riêng để cập nhật tình hình từ vườn trồng như diện tích, sản lượng, thời tiết, cách chăm sóc vườn cây, thời gian thu hoạch cụ thể... Từ đó giúp doanh nghiệp và người trồng tiện lợi hơn trong việc theo dõi và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.

“Phần mềm này giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện quy trình sản xuất của mình. Nhật ký canh tác sẽ được ghi chép minh bạch hóa quá trình sản xuất. Đặc biệt, khi nhận được lệnh đóng hàng, doanh nghiệp sẽ thuận tiện hơn trong lựa chọn được sản phẩm phù hợp với tiêu chí từ đối tác để đưa vào sản xuất. Qua đó giúp sản phẩm tiêu các loại của doanh nghiệp có thể dễ dàng tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các kênh phân phối khó tính nhất”- bà Huỳnh Thị Yến Nhi, Quản lý nhà máy của Công ty chia sẻ.

Là doanh nghiệp chế biến nông sản và trực tiếp cung ứng sản phẩm tới khách hàng nên từ lâu Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (TP. Gia Nghĩa) đã xem hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt của quá trình hoạt động và vận hành.

Đáng chú ý nhất là trong khâu sản xuất sản phẩm ca cao. Trước đây, doanh nghiệp thường phải đến tận nông trại của nông dân để kiểm tra về chất lượng, nhiệt độ, độ ẩm, lên men… của sản phẩm. Bây giờ, đơn vị chỉ cần dùng một con chíp nhỏ gắn vào thùng ca cao đó và kết nối với hệ thống máy chủ tại văn phòng là có thể theo dõi quá trình lên men hàng ngày của sản phẩm.

Ngoài ra, đơn vị cài đặt hệ thống camera ở từng nông trại để có thể giám sát hoạt động sản xuất của công nhân có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không. Từ hình ảnh cho tới các giai đoạn phát triển của sản phẩm đều được doanh nghiệp quản lý một cách tự động và chặt chẽ.

Hay như trong khâu rang xay cà phê, doanh nghiệp sử dụng các phần mềm riêng để kiểm soát tốt hơn về chất lượng. Ông Lê Văn Phong, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Mức độ hỗ trợ của phần mềm rang xay được khoảng 70% so với thủ công trước đây. Phần mềm nó sẽ lưu lại thông tin của mẻ rang trước đó để giúp đồng nhất với những mẻ rang tiếp theo”.

Tăng cường các chương trình hỗ trợ

Để thuận lợi hơn trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và trong các doanh nghiệp nói riêng, các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể.

Trong đó, vừa qua, Chi nhánh Viettel Đắk Nông và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức Chương trình ký kết hợp tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, giai đoạn 2022 - 2026. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin tối đa, tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu quả quản trị, quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Theo ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Viettel Đắk Nông, trong giai đoạn 5 năm (2022 - 2026), đơn vị sẽ cử nhân sự hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin. Đơn vị sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá, cập nhật thêm các sản phẩm mới online và offline định kỳ.

Ngoài ra, Viettel Đắk Nông còn thực hiện kết nối với các doanh nghiệp để truyền thông, quảng bá sản phẩm tại các ứng dụng liên kết trong hệ sinh thái của đơn vị như quản trị doanh nghiệp vESS, Chữ ký số Viettel CA, Hóa đơn điện tử Sinvoice, Bảo hiểm xã hội điện tử vBHXH, Ngân hàng số Viettel Money, các ứng dụng Qrcode…

Trong giai đoạn 2022 - 2025, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ tập trung hỗ trợ tỉnh Đắk Nông với các nội dung về: Cung cấp các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển đô thị thông minh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng nông nghiệp thông minh…

Ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị, thời gian tới, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục ưu tiên nguồn nhân, vật lực để hỗ trợ tỉnh phát triển toàn diện về mọi mặt. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về viễn thông, công nghệ thông tin của địa phương.

Từ sự chủ động của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền, tin tưởng rằng, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là trong giai đoạn thích ứng với bình thường mới. Từ đó, doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch; đồng thời, từng bước thay đổi mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho chính mình.