Bất thường vốn điều lệ...
Thành lập mới doanh nghiệp hay tăng vốn điều lệ là bình thường, nhưng thời gian qua, tại một số địa phương đã "ghi nhận" một số doanh nghiệp có số vốn điều lệ lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng...
Đó là hồi đầu năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký cho một doanh nghiệp có địa chỉ tại huyện Hoài Đức với số vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng, nhưng sau đó không lâu, một trong những cổ đông cho biết đã có sự nhầm lẫn về số vốn đăng ký...
Là Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (Gab Group) có trụ sở ở Hà Nội đăng ký tăng vốn lên gần 128.000 tỷ đồng. Đặc biệt là việc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) ở TP. Hồ Chí Minh được thành lập với số vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp không quy định quy mô vốn công ty, trừ trường hợp vốn pháp định tuy nhiên có quy định về việc thành viên, cổ đông của doanh nghiệp phải góp đủ và đúng loại tài sản đã đăng ký. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp, các cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ hậu kiểm đối với vấn đề góp vốn đăng ký. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo.
Trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung thông tin. Khi phát hiện sai phạm, các cơ quan chức năng mới tiến hành xử phạt hành chính theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ...
Vậy nên trong các trường hợp này, các cơ quan chức năng dù biết là "không bình thường" nhưng vẫn cấp phép vì hồ sơ đầy đủ. Phân tích cụ thể hơn, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp. Nếu như trước đây phải kiểm tra, xác minh doanh nghiệp có đủ số tiền đăng ký hay không mới cho thành lập thì nay, pháp luật về doanh nghiệp khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai thông tin về vốn điều lệ khi làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cũng không phải đăng ký vốn tối thiểu, tối đa, trừ doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề bắt buộc phải có vốn pháp định tối thiểu như ngân hàng, bảo hiểm…
Mặt tích cực của quy định này là góp phần giúp quá trình khởi nghiệp, khởi tạo hoạt động kinh doanh của các sáng lập viên được thuận lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà "thích" khai vốn bao nhiêu thì khai. Để ngăn chặn tình trạng này, có ý kiến cho rằng nên bỏ mục vốn điều lệ khi đăng ký kinh doanh bởi việc này chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ.
Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt quá trình góp vốn của các doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm. Bên cạnh đó, ngoài việc xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng, cần phải tăng mức phạt đối với hành vi đăng ký vốn ảo, với các trường hợp lợi dụng đăng ký số vốn lớn để "đánh bóng" tên tuổi và xử phạt nghiêm khắc nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập, từ đó sàng lọc, phát hiện các trường hợp kê khai vốn điều lệ cao bất thường để có biện pháp phối hợp theo dõi, thanh tra, kiểm tra và có cơ chế cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các sai phạm.