Bến Tre quyết tâm bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội


Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Bến Tre đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Kết quả, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi khá tốt và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được cải thiện, với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 7 trong cả nước.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn trao khen thưởng các doanh nghiệp đạt thành tích sản xuất, kinh doanh tốt trong các khu công nghiệp tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn trao khen thưởng các doanh nghiệp đạt thành tích sản xuất, kinh doanh tốt trong các khu công nghiệp tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc

Cải thiện trên nhiều lĩnh vực

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh đã thực hiện các giải pháp như: Hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hạ tầng chống tham nhũng, cải thiện khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS). Cụ thể, công tác cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức được tỉnh thực hiện quyết liệt. Hiện tỉnh đã sắp xếp giảm được 26 đầu mối thuộc sở, giảm 53 phòng thuộc chi cục, ban thuộc sở; 9 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; giảm 1 văn phòng chuyên trách ban chỉ đạo; 102 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh/thành trong cả nước, xếp vị trí thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng 6 bậc, thuộc nhóm điều hành xuất sắc. Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp vị trí 19/63 tỉnh/thành, tăng 43 bậc so với năm 2022. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2023 xếp thứ 28. Riêng ở cấp địa phương, năm 2023, tỉnh đã thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh năm 2023 và triển khai thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng quản lý thông tin dữ liệu các khu, cụm công nghiệp trên nền tảng 4D; dữ liệu hiện trạng khu vực/vị trí dự án mời gọi đầu tư trên nền tảng điện thoại di động”.

Trong năm 2024, tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ 128 DN khởi nghiệp, 60 hộ kinh doanh chuyển lên DN, góp phần tăng số DN hoạt động lên 6 ngàn DN. Thông qua hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư, tỉnh đã tiếp và làm việc với 280 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, đạt 103,7% kế hoạch; hỗ trợ 1.350 lượt nhà đầu tư, DN về các thủ tục đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ triển khai dự án đầu tư sau khi được cấp chủ trương đầu tư, đạt trên 122% kế hoạch.

Đầu tư trong nước thu hút được 1.975,48 tỷ đồng, tăng 68,3% so với cùng kỳ, đạt 24,6% kế hoạch. Lũy kế, tỉnh có 258 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 61.257 tỷ đồng.

Đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút được 30,3 triệu USD, tăng 170% so với cùng kỳ, đạt 7,5% kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 69 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 1.677 triệu USD; giải ngân FDI khoảng 22 triệu USD, bằng 43,8% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Tổng số lao động làm việc tại các DN FDI khoảng 33.339 người.

Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Bến Tre đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024. Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao 6 quyết định chủ trương/giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 8 ngàn tỷ đồng; ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với 23 nhà đầu tư. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và thu hút được ngày càng nhiều DN, nhà đầu tư, tạo xung lực phát triển cho tỉnh trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo cho hơn 5 ngàn học sinh, sinh viên và DN trẻ, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương.

Kỳ vọng bứt phá năm 2025

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, năm 2025, tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tăng cường rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế xanh và CĐS toàn diện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục số hóa 100% thủ tục hành chính và mở rộng các dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đẩy mạnh triển khai chính quyền số và cung cấp các dịch vụ công thân thiện với người dân, DN.

Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, ưu tiên các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái. Hỗ trợ các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và môi trường.

Tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng CĐS, quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững cho lao động địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho CĐS, triển khai các dự án đô thị thông minh, hệ thống giám sát an ninh mạng, tích hợp các cơ sở dữ liệu liên thông để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Thực hiện các dự án năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, kinh doanh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, tỉnh Bến Tre kỳ vọng năm 2025 sẽ tiếp tục là năm bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành địa phương đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững…

 

Định hướng năm 2025, tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai kế hoạch chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch phát triển 5 ngàn DN và xây dựng 100 DN dẫn đầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung công tác vận động hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển lên DN. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN tỉnh. Tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm khởi nghiệp. Đào tạo nâng cao kiến thức cho đội ngũ DN khởi nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cho DN trong thời gian tới.

Theo Cẩm Trúc/ Báo Đồng Khởi