BIDV và Vinatex ký kết thỏa thuận tài trợ vốn và dịch vụ thực hiện đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ

PV.

(Tài chính) Ngày 15/01/2014, tại TP. Quy Nhơn tỉnh Bình Định, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc BIDV thực hiện tài trợ vốn và dịch vụ cho Vinatex thực hiện đầu tư, mở rộng, chiều sâu và đổi mới công nghệ hướng tới kế hoạch Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

BIDV và Vinatex ký kết thỏa thuận tài trợ vốn và dịch vụ thực hiện đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ - Ảnh 1
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa BIDV và Vinatex. Nguồn: bidv.com.vn

Theo đó, BIDV cam kết  tài trợ Vinatex gói tín dụng với doanh số cấp tín dụng lên tới 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016. Tham dự chương trình ký kết có đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, các đồng chí đại diện Ban Tổng giám đốc BIDV, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc cùng các đồng chí đại diện Ban lãnh đạo Vinatex.

Khởi đầu từ sáng kiến của BIDV, trên cơ sở nội dung trao đổi, làm việc giữa BIDV và Vinatex, Vinatex đã báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tìm kiếm các khả năng, cơ hội đầu tư Khu liên hiệp sản xuất may mặc xuất khẩu, triển khai chuỗi siêu thị quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam theo đúng tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt”. Theo đó, Vinatex đã đề xuất tỉnh Bình Định khả năng đầu tư khép kín một khu công nghiệp theo quy trình: từ nguyên liệu -> công nghệ dệt -> sản xuất đồ dùng may mặc -> xuất khẩu hàng hóa -> cung ứng đến các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước.

Cụ thể: tỉnh Bình Định nghiên cứu khả năng cung ứng một vùng nguyên liệu khoảng 60 nghìn ha, nếu tính cả các tỉnh lân cận, tổng diện tích vùng ước đạt khoảng 100 nghìn ha. Đây sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu  to lớn, dồi dào cho khoảng 30.000 tấn sợi với tổng mức đầu tư khoảng 120 triệu USD. Ngoài ra, Vinatex sẽ nghiên cứu khả năng đầu tư một nhà máy dệt nhuộm công suất 60 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 100 triệu USD/năm và đầu tư từ 8- 10 nhà máy may mặc, xuất khẩu với tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD và đề xuất xây dựng chuỗi các siêu thị, kênh bán hàng trực tiếp tại TP. Quy Nhơn, các thị xã, thị tứ trong Tỉnh.

Về phía mình, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cam kết sẽ đáp ứng các mong muốn, đề xuất của Vinatex về nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như quỹ đất xây dựng Nhà máy sợi dệt nhuộm. Ngoài ra, Bình Định cũng là địa phương có nhiều thuận lợi trong các lĩnh vực như: nguồn nhân lực dồi dào, giao thông thuận tiện: hàng không, đường sắt, đặc biệt là cảng biển nước sâu... cũng là các điều kiện tốt để phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng.

Vinatex là tổ hợp các công ty đa sở hữu gồm có công ty mẹ và 120 doanh nghiệp thành viên bao gồm các  công ty sản xuất trong lĩnh vực dệt may, hạ tầng khu công nghiệp, viện, trường và các hệ thống bán lẻ trong toàn quốc. Hiện tại Vinatex đã có quan hệ thương mại với hơn 400 tập đoàn, công ty đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may cả nước.

Việc liên kết giữa ba nhà: Ngân hàng (BIDV) – Nhà quản lý (UBND tỉnh Bình Định) – Nhà đầu tư (Vinatex) đánh dấu quá trình hợp tác khép kín, hiệu quả trong quá trình triển khai dự án. Về phần mình, với vai trò là định chế tài chính hàng đầu, sở trường trong việc đầu tư tài trợ các dự án công nghiệp, xuất khẩu, BIDV là đơn vị môi giới, tư vấn đầu tư, cung cấp tài chính và các dịch vụ ngân hàng hiệu đại phục vụ việc thực hiện các dự án trên.

Thông qua hoạt động hợp tác này, với thiện chí, mong muốn và thế mạnh của các bên tham gia, chắc chắn trong tương lai gần, tỉnh Bình Định sẽ trở thành một trung tâm liên hợp cung ứng các sản phẩm lĩnh vực may mặc trong nước và xuất khẩu. Việc triển khai các dự án thuộc lĩnh vực dệt may tại tỉnh Bình Định cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển chỉ số GDP của Tỉnh, giải quyết nhu cầu việc làm, phát triển năng lực xuất khẩu, hàng quá cảnh, tăng thu ngân sách cho Tỉnh đạt hàng trăm triệu đô la mỹ.

Hoạt động ký kết thỏa thuận tài trợ vốn và dịch vụ giữa BIDV và Vinatex nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của Vinatex và các đơn vị thành viên, chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, BIDV cam kết sẽ tài trợ vốn tín dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và một số dự án nâng cao năng lực sản xuất của Vinatex và các đơn vị thành viên. Tổng giá trị cam kết của gói tài trợ là 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016.

Trong đó bao gồm hai cấu phần: Vốn vay ngắn hạn là 250 triệu USD cho mục đích bổ sung vốn lưu động, tài trợ xuất nhập khẩu và các nhu cầu vay ngắn hạn khác; Vốn vay trung dài hạn là 350 triệu USD tài trợ các dự án đầu tư của Vinatex và các đơn vị thành viên. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho chương trình đầu tư cụm công nghiệp Sợi – Dệt – Nhuộm – May – Xuất khẩu và Trung tâm siêu thị thương mại tại Bình Định.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp, việc BIDV tham gia tài trợ vốn cho Vinatex là hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần chia sẻ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp nói chung, Vinatex nói riêng trong việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV khẳng định: "Vinatex là đối tác chiến lược của BIDV, chúng tôi đã ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh giai đoạn 2012 – 2015 với nhiều điều khoản trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh của hai bên. Thỏa thuận tài trợ vốn ngày hôm nay một lần nữa cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa BIDV và Vinatex, đồng thời khẳng định hiệu quả của hoạt động hợp tác ba nhà: Nhà ngân hàng – Nhà quản lý – Nhà đầu tư. Đặc biệt, BIDV tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả trong việc cung ứng vốn và dịch vụ của BIDV, Vinatex nói riêng, ngành Dệt may Việt Nam nói chung sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc Việt Nam gia nhập TPP, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành. Và không chỉ với Vinatex và ngành Dệt may, với vai trò, năng lực tài chính của mình, BIDV sẵn sàng đáp ứng và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề trong việc đảm bảo cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây còn là hoạt động góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định".

Ông Trần Quang Nghị - Tổng giám đốc Vinatex tin tưởng: "Hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác ngày hôm nay là cơ hội tốt để đẩy mạnh, cụ thể hoá quan hệ hợp tác chiến lược giữa BIDV và Vinatex. Để góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và chuẩn bị cho quá trình gia nhập TPP,Vinatex có nhu cầu khoảng 600 triệu USD cho các chương trình, dự án đầu tư cũng như hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn cho việc triển khai dự án Tổ hợp Dệt may tại Bình Định. Bên cạnh đó, nếu TPP góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may sẽ đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Qua đó phát huy vai trò đầu tàu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam của Vinatex".

Cùng ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng đã ký kết thỏa thuận với công ty TNHH Thủy sản Biển Đông đầu tư nhà máy sản xuất chế biến tôm xuất khẩu công suất 20 tấn/ngày tương ứng 6000 tấn/năm với nguồn vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD. Được biết, Bình Định là tỉnh có nguồn sản xuất thủy sản lớn thứ 3 trong cả nước.