Biến động bất ngờ con số nợ xấu các ngân hàng
Công bố báo cáo tài chính từ các ngân hàng mới nhất cho thấy nhiều biến động bất ngờ từ con số nợ xấu. Ở không ít ngân hàng nợ xấu tăng nhanh, nhất là nợ có khả năng mất vốn.
Bất ngờ nợ xấu đang tăng
Báo cáo tài chính quý 3/2019 của các ngân hàng thương mại công bố gần đây cho thấy lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh.
Qua báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 9/2019 có 23 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng. ABBank tăng 79% so với thời điểm 1/1/2019, lên mức 1.766 tỷ đồng. Tỷ lệ này tương ứng với nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,89% thời điểm 1/1/2019 lên tới 3,39%. SHB có tỷ lệ nợ xấu tăng 39%, lên 7.227 tỷ đồng; Techcombank tăng 32%, lên 3.704 tỷ đồng; MBBank tăng 30% lên 3.730 tỷ đồng so với đầu năm 2019.
Nhóm các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank nợ xấu cũng tăng. Vietcombank, chỉ 9 tháng đầu năm, nợ xấu đã tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng, đưa tổng nợ lên hơn 7.600 tỷ đồng, cao hơn so với các năm trước. BIDV có số nợ xấu là 22.436 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm 2019...
Tính chung, tổng số nợ xấu của 23 ngân hàng là hơn 94 nghìn tỷ đồng, tăng 16,15% so với đầu năm. Đáng chú ý, với một số ngân hàng, ngay cả khi tín dụng tăng trưởng chậm, thậm chí không tăng trưởng so với cuối năm 2018 thì nợ xấu vẫn tăng nhanh.
Không những thế, nhiều ngân hàng còn có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh. Chẳng hạn như ABBank nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 1.000 tỷ đồng trong tổng số nợ xấu 1.766 tỉ đồng, tăng 56% so với đầu năm; Vietcombank có nợ nhóm 5 chiếm gần 64% trong tổng số 7.600 tỷ đồng nợ xấu; BIDV có nợ nhóm 5 tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng,...
Tính chung của 23 ngân hàng, nợ nhóm 5 tăng 16,32% so với đầu năm, lên mức hơn 52,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng nợ xấu.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng, tính đến cuối tháng 8/2019, là 1,98%, tăng so với mức 1,89% cuối năm ngoái.
Một số ý kiến cho rằng, hiện tại, câu chuyện nợ xấu chưa phải là vấn đề đáng quan ngại khi diễn biến tăng chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lại cho rằng, nợ xấu của nhiều ngân hàng thương mại đã tăng liên tục từ năm 2018 đến nay. Vì vậy, xu hướng nợ xấu tăng cần được quan tâm.
Theo báo cáo thì nợ xấu nội bảng vẫn dưới 2%, nhưng tính cả khoản nợ xấu đang nằm tại Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện là 4,84%.
Kiểm soát nhóm tín dụng rủi ro cao
Mặc dù NHNN đã đưa ra chủ trương siết dần tín dụng vào bất động sản bởi rủi ro cao, nhưng từ đầu năm đến nay, vốn đổ vào các lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng mạnh. Cơ cấu cho vay của một số ngân hàng hiện cũng tập trung nhiều vào mảng bất động sản (bao gồm cả cho vay tiêu dùng), nên nguy cơ nợ xấu rất cao.
Trong báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, các lĩnh vực rủi ro bất động sản và tiêu dùng đều tăng so với cuối năm ngoái. Cụ thể, tính đến tháng 8, tín dụng bất động sản tăng tới 14,58% (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo tính toán, tồn kho bất động sản của 67 doanh nghiệp đang niêm yết, đến 30/6/2019 là gần 170.319 tỷ đồng, tăng 1,7% so với thời điểm đầu năm. Với lĩnh vực bất động sản, tồn kho theo kế hoạch và tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Tuy nhiên, đáng quan tâm là hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được vì có liên quan đến tính thanh khoản. Ngoài ra còn liên quan tới các ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu.
Thị trường bất động sản thời gian qua có thanh khoản thấp, sản phẩm tồn đọng nhiều. Hàng loạt dự án bất động sản đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Đặc biệt là những dự án condotel tại ven biển miền Trung, hay chung cư tại các thành phố lớn, có lượng khách mua rất thấp. Không ít doanh nghiệp có khoản nợ ngân hàng đến kỳ phải trả, nhưng không biết lấy đâu tiền trả nợ, để lâu đã thành nợ quá hạn và nợ xấu.
Vừa qua nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mua trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành nhằm “giúp” doanh nghiệp có tiền trả nợ đúng hạn, qua đó sẽ giảm bớt được nợ xấu, nếu không thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể còn cao hơn nữa, chuyên gia tế Phạm Nam Kim nhận định.
Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng tăng cũng dẫn đến nhiều rủi ro, góp phần làm nợ xấu gia tăng. Theo NHNN, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống 8 tháng đầu năm 2019 tăng 13,92% so với cuối năm 2018 và chiếm 20,69% tổng dư nợ nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh mảng bán lẻ bởi có lãi suất cao và giúp tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, điều đáng ngại là một số ngân hàng đã hạ thấp chuẩn khách hàng vay tiêu dùng nhưng lại tăng lượng tiền cho vay để cạnh tranh giành thị phần. Nhiều ngân hàng đang cho khách hàng vay và thấu chi những khoản lớn qua thẻ tín dụng. Theo giới tài chính, lĩnh vực vay tiêu dùng tăng mạnh, nhất là với những quốc gia có thu nhập thấp thì rủi ro rất cao. Cho vay dễ dãi, nếu gặp khó khăn, sẽ gây ra hậu quả rất lớn.