Ngân hàng chạy đua thu hồi nợ xấu
Theo các chuyên gia, cần thúc đẩy thị trường mua bán nợ để tạo điều kiện cho tư nhân, nước ngoài cùng tham gia.
Cuối năm, các ngân hàng thương mại liên tục thông báo thanh lý, rao bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ, bao gồm cả những tài sản bảo đảm của doanh nghiệp (DN) bị khởi tố, lãnh đạo DN bị bắt giữ.
Cấp tập rao bán tài sản thế chấp
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang rao bán hàng loạt tài sản thế chấp gồm bất động sản, ôtô ở nhiều địa phương trên cả nước để thu hồi nợ. Trong đó, VietinBank Chi nhánh Đồng Nai rao bán khoản nợ của Công ty CP Tân Mai Miền Trung (trụ sở ở tỉnh Quảng Ngãi) là toàn bộ tài sản hình thành của Dự án đầu tư nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Tân Mai Miền Trung tại Quảng Ngãi trên diện tích 45 ha; tài sản bảo đảm và cam kết của các cổ đông... Dư nợ của Tân Mai Miền Trung tại VietinBank Đồng Nai lên tới hơn 4.300 tỉ đồng, bao gồm nợ gốc 2.439 tỉ đồng và nợ lãi, nợ lãi quá hạn.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa rao bán 20 chiếc ôtô loại 4-7 chỗ và xe chuyên dụng bằng hình thức đấu giá cho khách hàng cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu. Tổng giá trị của lô 20 ôtô này hơn 6 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng tích cực rao bán đấu giá hàng loạt lô bất động sản, nhà đất từ vài chục tỉ đến vài trăm tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thì vừa rao bán khoản nợ xấu có dư nợ gốc và lãi hơn 8,7 tỉ đồng của khách hàng Phạm Thị Tuyết Nhung tại Chi nhánh SHB Long An. Bà Nhung là giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Angel Lina vừa bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt giam để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do nữ giám đốc này đã vẽ 9 dự án ma để lừa người dân mua bán nền đất không có thật tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Không chỉ các ngân hàng thương mại mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng dồn dập bán đấu giá hàng trăm khoản nợ đã mua lại từ các tổ chức tín dụng để xử lý. Hiện trên website VAMC đang có hơn 1.100 khoản nợ từ căn hộ chung cư, nhà phố, biệt thự, nhà xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, ôtô, cổ phiếu... chờ người mua. Dù vậy, rất nhiều khoản nợ được ngân hàng rao nhiều lần, thậm chí "đại hạ giá" vẫn chưa tìm được chủ nợ mới.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, NH Nhà nước cho biết tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 968.890 tỉ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tự xử lý là 629.200 tỉ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác…
Tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%. Nếu tính từ khi Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý 236.800 tỉ đồng nợ xấu (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).
Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu hiện tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, song còn gặp nhiều khó khăn để xử lý dứt điểm. Việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của các ngân hàng mua bắt buộc (Ngân hàng 0 đồng) gặp khó do phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Các chuyên gia cho biết việc mua bán nợ xấu đang được thực hiện trên các chủ thể chính là VAMC, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam của Bộ Tài chính, các công ty mua bán nợ của ngân hàng thương mại. Trong đó, các công ty mua bán nợ của NH chỉ tập trung xử lý nợ của bản thân, chưa tham gia mua bán với các tổ chức khác.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực, cần thúc đẩy việc mở cửa cho tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia, tạo thị trường mua bán nợ thực sự nhằm giải quyết căn cơ nợ xấu cũng như khơi thông dòng vốn tín dụng. Cụ thể, cần có nghị định về thị trường mua bán nợ, trong đó cơ quan đầu mối đứng ra tổ chức như một sân chơi minh bạch; các khoản nợ cần được minh bạch để người mua, người bán có đủ thông tin.
Nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết; chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp hoặc đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. NH Nhà nước kiến nghị Quốc hội yêu cầu TAND Tối cao phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, trích xuất thông tin liên quan từ hệ thống dữ liệu này.