Biến động các lớp tài sản đầu tư

Theo Diễm Ngọc/enternews.vn

Khi điều kiện thị trường trở nên khó khăn, chẳng hạn như thị trường cổ phiếu hiện đã qua giai đoạn “mua gì cũng thắng”, thì nhà đầu tư càng cần đa dạng hóa lớp tài sản của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo CEO Nguyễn Minh Tuấn của Quỹ đầu tư AFA Capital, biến động của thị trường tài chính sẽ có những yếu tố mang tính chất bao trùm, đó là tỷ giá và lãi suất; còn với các lớp tài sản tài chính sẽ có tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và vàng.

Theo các số liệu phân tích, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 11/2020 đến thời điểm hiện tại khá ổn định, còn đối với thị trường tự do mua vào bán ra sẽ thấy, từ tháng 1 đến tháng 5/2021, thị trường tự do có sự biến động mạnh. Ngay từ đầu năm, nhóm chuyên gia đã phân tích, tỷ giá đô la Mỹ sẽ bình ổn trong năm nay, vì cán cân thanh toán của Việt Nam thặng dư 20 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, ngoại trừ cán cân thanh toán của Việt Nam đang bị âm, nhưng nếu vẫn duy trì được lượng kiều hối và thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam, thì tỷ giá này sẽ không có cú sốc nào lớn trên thị trường.

Đối với thị trường tiền tệ, sẽ có hai nhóm lãi suất đó là lãi suất liên ngân hàng, trong đó lãi suất qua đêm đang ở mức 1%. Cùng với đó, các trái phiếu được giao dịch thông thường là trái phiếu kỳ hạn 1 năm, 5 năm và 10 năm hiện đang ở khoảng 2%. Từ đó sẽ thấy, thanh khoản của thị trường thời điểm này tương đối ổn định, vì Ngân hàng Nhà nước mới có chính sách nới hạn mức tín dụng, cùng các chính sách khác, nên sẽ không có vấn đề gì lớn đối với thanh khoản hệ thống.

Nhìn vào tổng quan thị trường, từ các biến số sẽ có sự tác động đến từng lớp tài sản bao gồm 5 lớp như : Lớp tiền gửi tiết kiệm đang đứng ở mức trung bình khoảng 5,5%; Lớp trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7 phát hành mới khoảng 9%; Lớp tài sản vàng tính từ đầu năm đến nay là 2,1%; Còn VN-Index trong tháng bẩy khoảng -7,6 % và nhóm VN30 -4,48%. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2021, nếu không tính tiền gửi tiết kiệm và trái phiếu doanh nghiệp, thì chỉ số VN-Index đã tăng 13,6% và nhóm VN30 đã tăng 32,55%.

Vậy lợi nhuận các lớp tài sản này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các kế hoạch đầu tư và cần cần cấu trúc các lớp tài sản này như thế nào để tối ưu lợi tức? CEO Quỹ AFA Capital cũng có một số phân tích như:

Thứ nhất, đối với tiền gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 13 tháng, sẽ có ba nhóm là: nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (SOBs), nhóm ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác. Trong đó, phần bù rủi ro của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác so với nhóm SOBs đang chênh lệch ở mức 0,7%.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu có điểm đặc biệt là huy động thấp hơn so với những ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, ở mức 4,6% đến 4,8% và 5,4% ở kỳ hạn 13 tháng của nhóm tiền gửi tiết kiệm. Đáng chú ý là, lãi suất tiết kiệm đã có xu hướng giảm rất mạnh từ cuối năm ngoái.

Thứ hai, đối với thị trường vàng, GAP vàng (khoảng trống chênh lệch) hiện tại vẫn đang ở mức cao, từ hơn 50 triệu đồng/lượng đến giá vàng SJC trong nước hiện giờ khoảng 56 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng ở khoảng 6 triệu đồng/lượng, và nhà đầu tư rất cần phải cân nhắc khi tham gia thị trường lúc này.

Thứ ba, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện nay cũng là một kênh đầu tư khá đáng quan tâm khi lợi tức mang lại trung bình khoảng 10%, cá biệt một số trái phiếu có mức lãi suất là 9% hoặc 11%.

Các chuyên gia cùng chung nhận định rằng, hiện tại, điều kiện thị trường các tài sản đang trở nên khó khăn, điển hình như thị trường cổ phiếu đã qua giai đoạn “đầu tư phi tiêu” - mua gì cũng thắng, vì vậy các nhà đầu tư cần phải nghĩ đến việc đa dạng hóa các lớp tài sản của mình khi tham gia đầu tư.