Đã đến lúc “nói không” với các loại rác thải nhựa
Nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống, gần đây nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hạn chế sử dụng, tổ chức thu gom rác thải nhựa nhưng như vậy vẫn chưa đủ khi số lượng lớn rác thải nhựa vẫn thải ra môi trường mỗi ngày.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm Việt Nam phát thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển và Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về rác thải nhựa ra biển. Tính trung bình, cứ mỗi một phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra trên khắp thế giới và mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng trên toàn thế giới. Trong số lượng nhựa được sản xuất đồ tiêu dùng, chỉ có 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, 79% còn lại tồn tại trong môi trường tự nhiên.
Tại TP. Hồ Chí Minh, vấn đề rác thải nhựa đã được lên kế hoạch thu gon, tái chế, hạn chế sử dụng, những sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất túi nilông tự hủy… từ nhiều năm qua nhưng thực tế số lượng rác thải nhựa phát thải ra môi trường không giảm mà còn tăng, đe dọa trực tiếp đến môi trường.
Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2017, trên địa bàn thành phố có 80.000 tấn túi nilông thải bỏ ra môi trường. Trong đó, tỉ lệ túi nilông thu gom, tái chế chỉ đạt 38%. Chưa hết, lượng túi nilông thải ra môi trường thời điểm năm 2008 chỉ mới ở mức khoảng 40 tấn/ngày nhưng trong năm 2017 đã tăng lên 228 tấn/ngày. Đặc biệt, lượng túi nilông nhập khẩu cũng đã tăng chóng mặt sau 4 năm gần đây, từ 63,8 tấn năm 2014 đã tăng lên 220 tấn trong năm 2017, tăng gần 250%. Những con số nêu trên cho thấy, lượng rác thải nhựa hàng ngày thải ra môi trường không giảm mà còn gia tăng, trực tiếp đe dọa đến môi trường sống của con người.
Để bảo vệ môi trường từ các loại rác thải nhựa, gần đây đã có nhiều đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân đã hạn chế sử dụng các loại đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần, thu gon rác thải nhựa ngoài môi trường. Đơn cử như công ty CP Chăn nuôi Việt Nam (CP.Việt Nam) đã hưởng ứng Ngày Quốc tế làm sạch bờ biển 2019 bằng việc phối hợp với Tổ chức Việt Nam sạch và xanh, các cơ quan, học sinh, sinh viên và người dân địa phương tổ chức nhặt rác thải, dọn dẹp vệ sinh tại bãi biển Vũng Tàu và bờ sông Hương của TP. Huế. Hơn 2.000 người tham gia tại hai địa điển trên đã thu hơn 1.000 kg túi nilông, rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Quốc Khang - Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên C.P. Việt Nam - cho biết, ngoài trực tiếp góp phần làm sạch môi trường, C.P. Việt Nam mong muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa và tích cực về việc bảo vệ môi trường cho hơn 20.000 cán bộ công nhân viên của mình nhận thức rõ hơn về vấn đề bảo vệ môi trường tại nơi làm việc, trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên việc làm như C.P. Việt Nam đã làm chưa được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, thậm chí nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn còn xem nhẹ việc bảo vệ môi trường từ các loại rác thải nhựa.
Chống rác thải nhựa là vấn đề của quốc gia và đã được Chính phủ kêu gọi các ngành, các cấp và cả cộng đồng thực thi với tinh thần quyết liệt. Trong ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã ký ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn ngành.
Nhằm giảm thiểu các tác hại của chất thải nhựa, thời gian qua ngành Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp, sáng kiến để giảm thiểu chất thải nhựa từ khâu sản xuất tới phân phối và tiêu dùng, nhưng rác thải nhựa vẫn đang là thách thức rất lớn đối với môi trường. Theo đó Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, các doanh nghiệp ngành Công Thương vận động công nhân viên chức, người lao động có hành động thiết thực nhằm hạn chế sử dụng và tiến tới “nói không” với túi nilông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị, cá nhân vẫn chưa quan tâm đến tính nguy hại của các loại rác thải nhựa.
Ngay như trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, một trong những địa phương chi nhiều kinh phí và tích cực nhất trong việc thực thi yêu cầu của Chính phủ đối với rác thải nhựa, nhưng tình trạng phát không vô tội vạ túi nilông khi đi mua sắm, vô tư vứt các loại rác thải nhựa ra môi trường diễn ra rất phổ biến trong cộng đồng dân cư. Để bảo vệ chính môi trường sống của mình, đã đến lúc mọi tổ chức, doanh nghiệp, mỗi cá nhân cần “nói không” với các loại rác thải nhựa với một thái độ nghiêm túc tại nơi làm việc và trong từng gia đình.