Bình ổn thị trường là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ
(Taichinh) - Kiến nghị gửi đến Chính phủ, cử tri TP.Hà Nộicho rằng giá cả hàng hóa vẫn ở mức cao gây khó khăn cho đời sống người dân. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát như mục tiêu đề ra.
Lạm phát tăng thấp sau nhiều năm
Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, chậm phát triển nhưng giá cả hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao làm cho cuộc sống của người dân càng khó khăn,Chính phủ cần có những giải pháp tích cực để hạ giá thành sản phẩm.
Thuộc phạm vi chức năng của mình, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, việc quản lý và bình ổn giá cả thị trường được thực hiện theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Đồng thời, thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; hoặc thực hiện điều tiết thông qua các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu.
Trong năm 2014, mặt bằng giá cả thị trường cơ bản ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2014 chỉ tăng 1,84% so với tháng 12-2013, bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm là 7%). Nguồn cung hàng hóa trên thị trường dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm nói riêng và hàng hóa thiết yếu nói chung cơ bản bình ổn, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá nhất là trong dịp Lễ, Tết. Một số mặt hàng năng lượng giảm giá mạnh trong dịp cuối năm.
Sang năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, là mức tăng tháng thứ 3 liên tiếp từ đầu năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ tăng 0,95% và so với cuối năm 2014 chỉ tăng 0,2%. Đây là mức trung bình 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Như vậy có thể nói, với mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã thực hiện thành công nhiều nhóm giải pháp để kìm chân “con ngựa bất kham" lạm phát sau nhiều năm.
Đối với một số mặt hàng thiết yếu, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bình ổn giá. Giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là một ví dụ. Từ tháng 6/2014, Bộ Tài chính đã áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng này. Theo đó, áp dụng biện pháp đăng ký giá (trong thời gian 6 tháng) và quy định quản lý giá tối đa (trong thời gian 12 tháng) để bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá.
Tính đến hết tháng 5-2015, đã có 715 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương. Để tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và được Chính phủ đồng ý về chủ trương tiếp tục thực hiện quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn từ ngày 1-6-2015 đến hết ngày 31-12-2016.
Đồng bộ giải pháp từ sản xuất đến thị trường tiêu dùng
Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành, từ đó có điều kiện hạ giá sản phẩm, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường.
Theo đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; hỗ trợ phát triển thị trường tài chính, chứng khoán để tăng khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Thực tế việc điều hành lãi suất của ngân hàng Nhà nước trong năm 2014 đã đưa mặt bằng lãi suất thị trường của đồng Việt Nam giảm 1,5-2% góp phần làm giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp, từ đó có điều kiện giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Ngoài ra Chính phủ tập trung phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường giá cả. Tại nhóm giải pháp này, Chính phủ đề ra nhiệm vụ phát triển hệ thống phân phối, các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất và tiêu thụ. Điều này sẽ góp phần giảm bớt chi phí lưu thông phân phối, đưa sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng nhanh hơn.
Đối với giá các hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất như năng lượng sẽ được điều hành công khai minh bạch, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2015.
Trong lĩnh vực quản lý giá, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công,...) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá nhất là đối với hàng hoá, dịch vụ mang tính chuyên ngành, dịch vụ sự nghiệp công.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như khí hoá lỏng, xăng dầu, than, xi măng, thép, thức ăn chăn nuôi, thóc, gạo, muối ăn, thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm, nước sạch, cảng biển... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.