Bình Thuận tập trung giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Thuận hơn 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/5/2024, giá trị giải ngân mới chỉ 653 tỷ đồng, đạt 13,89% so với số vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Do đó, 6 tháng cuối năm là giai đoạn nước rút để hoàn thành đạt 95% giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận và các chủ đầu tư, giá trị giải ngân đến ngày 20/5/2024 là 653 tỷ đồng, đạt 13,89% so với số vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao sau khi UBND tỉnh Bình Thuận chuyển trả về Trung ương 378 tỷ đồng kế hoạch vốn.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, trọng tâm là xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư.
Cùng với đó, việc chuẩn bị đầu tư dự án còn nhiều hạn chế; việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án còn chậm, dẫn đến nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn ngay từ đầu năm để thực hiện đấu thầu, thi công; một số dự án chậm tiến độ do phát sinh nội dung, hạng mục phải điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư. Bên cạnh đó, giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án…
Theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, với các dự án đã hoàn thành thì chủ đầu tư chậm hoàn tất các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, để thanh toán dứt điểm cho dự án hoàn thành, tất toán công trình.
Với dự án chuẩn bị đầu tư thì việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án còn chậm, dẫn đến nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn ngay từ đầu năm để thực hiện đấu thầu, thi công. Tuy nhiên, đến ngày 25/5/2024 mới phân bổ xong chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công 2024.
Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm
Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt tỷ lệ 95%, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu người đứng đầu các đơn vị cần nắm vững, bám sát tình hình thực tế, thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá việc triển khai để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, có giải pháp quyết liệt đối với các đơn vị thi công chậm tiến độ hợp đồng đã ký; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phát động phong trào đợt thi đua nước rút 6 tháng cuối năm để hoàn thành đạt 95% giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng sẽ chủ động rà soát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các thủ tục thanh toán và thực hiện giải ngân là thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình.
Đối với các dự án, công trình không thực hiện đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.
Đồng thời, chủ động rà soát, xác định thứ tự ưu tiên, mức độ cấp thiết để lập danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo ra đột phá cho Tỉnh như: Cảng hàng không Phan Thiết, đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường ĐT.719B (đoạn Hòn Lan - Tân Hải), kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), công viên Hùng Vương, khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Phú Quý (Giai đoạn 2), hồ chứa nước Ka Pét, chung cư sông Cà Ty...