Bạc Liêu quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Với quyết tâm tăng trưởng cao và dồn lực cho năm “bứt phá”, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; Đặc biệt là quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương và các chủ đầu tư phải quan tâm và quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC).
Giải ngân đạt thấp
Đối với kế hoạch VĐTC năm 2024, ngay sau khi có quyết định phân bổ vốn của UBND tỉnh với tổng vốn được giao hơn 3.635.490 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương 2.577.118 triệu đồng, vốn ngân sách Trung ương 1.058.374 triệu đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã kịp thời thông báo mức vốn được giao đến các chủ đầu tư để chủ động trong việc triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Tuy nhiên, qua tổng hợp kết quả giải ngân từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tính đến ngày 26/3/2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công chỉ được 370.320/3.635.492 triệu đồng, đạt 10,19% kế hoạch. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023 VĐTC giải ngân được 426.580/3.900.656 triệu đồng, đạt 10,94%. Qua kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm nay cho thấy, công tác giải ngân VĐTC vẫn chưa đáp ứng theo kế hoạch đề ra. Do đó, để đảm bảo kế hoạch giải ngân VĐTC năm 2024 đạt tỷ lệ trên 95%, cần phải tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt.
Có thể nói, khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân trong thời gian vừa qua là do tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công chậm, việc triển khai thực hiện và giải ngân VĐTC trùng với khoảng thời gian nghỉ tết Nguyên đán.
Mặt khác, thời gian giải ngân kế hoạch năm 2023 đến hết ngày 31/1/2024 nên các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân hết vốn được giao trong năm 2023. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện và giải ngân VĐTC năm 2024 và các dự án mới năm 2024. Cũng như, một số dự án xin kéo dài còn đang làm thủ tục nên chưa có khối lượng thanh toán.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu năm 2023 (có hiệu lực ngày 1/1/2024) còn đang chờ văn bản hướng dẫn của Trung ương cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án, công trình sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế.
Ngoài ra, công tác lựa chọn đơn vị tư vấn chưa thật sự tốt, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn về năng lực, kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là ở khâu khả năng dự báo…
Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng diễn ra còn chậm dẫn đến một số đơn vị thi công còn chủ quan, chưa thật sự quan tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khả năng huy động nhân lực, vật lực chưa đáp ứng theo thực tế nên đã kéo dài tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giao thông. Đối với các dự án mua sắm trang thiết bị có giá trị lớn, rất khó khăn trong việc lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thực hiện…
Nâng cao trách nhiệm
Để cải thiện công tác giải ngân trong thời gian tới, Sở KH-ĐT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của lãnh đạo tỉnh liên quan đến giải ngân VĐTC. Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư cần chú trọng, quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân VĐTC.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng phải tập trung giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định. Chú trọng, quan tâm hơn nữa trong việc chuẩn bị đầu tư dự án, nhất là cần nâng cao chất lượng tư vấn từ khâu lập chủ trương đầu tư, khẩn trương trình thẩm định và phê duyệt dự án để đủ điều kiện giao vốn và triển khai thực hiện các bước tiếp theo được thuận lợi. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về đấu thầu, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực về chuyên môn, về tài chính… để sớm hoàn thành các công việc được giao theo hợp đồng đã ký, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Đồng thời, xử lý nghiêm và thay thế ngay các đơn vị tư vấn, thi công không đáp ứng theo kế hoạch và tiến độ hợp đồng đã ký (trừ trường hợp khách quan). Phải chủ động, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư hoặc kịp thời báo cáo trình cấp có thẩm quyền xử lý đối với các dự án còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh hoặc Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc do UBND tỉnh thành lập. Các chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý hồ sơ có phát sinh vướng mắc trong quá trình xử lý.
Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư cần tăng cường công tác thanh - kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các cán bộ trực thuộc nâng cao vai trò và trách nhiệm trong quá trình tham mưu xử lý hồ sơ. Các địa phương tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết dứt điểm các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng… nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn...
Đặc biệt, Sở KH-ĐT phối hợp với Sở Tài chính và các sở chuyên ngành theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn. Tổng hợp điều chỉnh vốn các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ…
Với việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và dồn sức cho giải ngân VĐTC, tin rằng tiến độ giải ngân vốn trong quý 2/2024 sẽ được đẩy nhanh và phấn đấu đạt trên 50% kế hoạch đề ra.