Bitcoin lập đỉnh, thị trường tiền điện tử chạm ngưỡng 2.000 tỷ USD
Sau khi Bitcoin vượt mốc 48.000 USD/BTC, thị trường tiền điện tử cũng đạt ngưỡng 2.000 tỷ USD và đang chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.
Thị trường phục hồi
Bitcoin (BTC) và các loại tiền điện tử khác dường như đang đạt được sức hút khi quý đầu tiên của năm 2022 kết thúc. Theo đó, thị trường tiền điện tử đã đạt đến ngưỡng 2.000 tỷ USD và đang chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.
Bitcoin đã hoàn toàn phục hồi sau những khoản lỗ từ đầu năm, lên mức 48.189 USD/BTC lúc 2h15 sáng theo giờ Việt Nam
Tính đến ngày 29/3, Bitcoin đã hoàn toàn phục hồi sau những khoản lỗ từ đầu năm, lên mức 48.189 USD/BTC lúc 2h15 sáng theo giờ Việt Nam, sau khi đã giảm từ 47.733,40 USD/BTC xuống còn 35.070,10 USD trong tháng 1. Bất chấp hành động thị trường thuận lợi, các nhà phân tích cảnh báo rằng còn quá sớm để tuyên bố kết thúc sự biến động giá của Bitcoin. Các chuyên gia thị trường sẽ bảo lưu nhận định về sự biến động cho đến khi giá duy trì mức tăng hiện tại trong ít nhất một tuần nữa.
Sự ổn định tương đối đó, trái ngược hoàn toàn với thị trường chứng khoán, tiền tệ truyền thống và thậm chí là vàng, tất cả đều bị chao đảo bởi cuộc chiến giữa Nga - Ukraine và sự thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Cùng với đó, các đồng tiền hàng đầu khác cũng tăng như Polkadot (DOT) tăng 7% trong 24 giờ, Dogecoin (DOGE) tăng 6%, Solana (SOL) tăng 5%, Avalanche (AVAX) tăng 4%, XRP tăng 3% và Cardano (ADA) tăng 3%... Không rõ điều gì đã tạo ra sự phục hồi, nhưng có khả năng là sự kết hợp của nhiều yếu tố đã tác động trong thời gian ngắn vừa qua, bao gồm cả tin tức tiền điện tử và xu hướng thị trường rộng lớn hơn.
Theo nguồn tin từ Decrypt.co, Do Kwon, người tạo ra giao thức Terra (LUNA) cho biết trên Twitter Spaces rằng, ông có kế hoạch mua hàng tỷ USD Bitcoin và giữ nó trong một khoản dự trữ để hỗ trợ cho stablecoin TerraUSD (UST). Địa chỉ ví Bitcoin chính thức của Luna Foundation hiện đang nắm giữ hơn 1,1 tỷ USD và Kwon có kế hoạch tích lũy số BTC trị giá lên đến 10 tỷ USD.
Số dư Bitcoin trên các sàn giao dịch cũng đang ở mức thấp nhất trong hơn ba năm theo Glassnode, điều đó báo hiệu nhu cầu gia tăng và sự quan tâm đến việc chuyển Bitcoin ra khỏi các sàn giao dịch thông qua các phương thức lưu trữ lạnh như ví cứng.
Trong một tin tức khác, El Salvador đã tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng hàng loạt Bitcoin với “trái phiếu núi lửa”, tuy bị trì hoãn nhưng vẫn đang được lên kế hoạch. Cùng với đó là việc Ukraine chính thức hợp pháp hóa tiền điện tử và tiếp tục chấp nhận các khoản đóng góp (hơn 100 triệu USD cho đến nay) dưới dạng Bitcoin, Ethereum, Polkadot và Dogecoin.
Việt Nam rốt ráo xây dựng khung pháp lý
Tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với việc xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo, trên cơ sở xem xét báo cáo ngày 28/2 của Bộ Tài chính.
Cụ thể, trong thông báo gửi 3 bộ, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì làm việc, trao đổi thống nhất với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để xác định cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới gắn với cơ quan chủ trì và thời gian thực hiện cụ thể nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa theo các nhiệm vụ đặt ra Quyết định 1255 ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ cùng văn bản có liên quan.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu các bộ, cơ quan: Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu, tăng cường phối hợp, trao đổi, thống nhất ý kiến trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao về hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Trước đó, vào ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1255 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Đề án hướng tới mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật.
Đề án cũng nhằm rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam để nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan.
Đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của CNTT, thương mại điện tử. Phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề liên quan đặt ra.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề tiền ảo, trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), với thời gian thực hiện là năm 2021 - 2023.