Blockchain – “Cánh cửa cơ hội” trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán
Công nghệ blockchain mang tầm ảnh hưởng lớn đến ngành kế toán, kiểm toán và là xu hướng công nghệ mà các chuyên viên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán không thể “ngó lơ” trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão.
Công cụ bảo mật và giảm thiểu sai sót thông tin kế toán
Ứng dụng blockchain giúp bảo mật thông tin kế toán bởi đó là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hoá vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền mặt được giám sát chặt chẽ.
Bằng cách tạo ra một sổ cái duy nhất trên một mạng lưới máy tính, các công ty, khách hàng, ngân hàng và cơ quan thuế ghi chép và chia sẻ thông tin. Khi bất kỳ người nào trong số họ thêm thông tin, sổ cái sẽ tự động xác minh và điều chỉnh dữ liệu. Trên nền tảng blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo.
Ứng dụng Blockchain giúp giảm thiểu khả năng xảy ra sai phạm kinh tế. Khi một khối dữ liệu được thêm vào chuỗi, phần còn lại của mạng lưới phải xác minh dữ liệu, phát hiện sai sót khi đối chiếu các thông tin phức tạp và khác biệt từ nhiều nguồn khác nhau.
Với những lợi ích kể trên, nghiên cứu của Juniper Research dự báo, vào năm 2030, việc áp dụng công nghệ blockchain có thể giúp các tổ chức tài chính tiết kiệm hơn 27 tỷ USD.
Còn nhiều dư địa ứng dụng blockchain
Blockchain tạo sự cạnh trạnh cho người lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Để nắm bắt được những cơ hội do blockchain mang lại, các kế toán viên, kiểm toán viên phải cập nhật xu hướng của những thay đổi này đối với lĩnh vực của mình, làm quen với các khái niệm mới như dữ liệu lớn (big data), mật mã, hệ thống sổ cái (blockchain), hệ thống thanh toán, thanh toán qua các thiết bị di động và các nền tảng mới kết nối giữa các nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ tài chính.
Hiện nay, công cụ lập trình của các dự án blockchain còn hạn chế, gây khó khăn trong việc hiện thực hóa các ý tưởng ứng dụng công nghệ chuỗi khối. Với mục tiêu phá vỡ các rào cản trong việc ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cho các DN, cần có các tổ chức chuyên nghiệp để cung cấp các dịch vụ, nền tảng công nghệ và công cụ để hỗ trợ các DN truyền thống tại Việt Nam tiếp cận công nghệ blockchain một cách an toàn, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Hiện nay, một số DN khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam như Công ty Vakaxa, AChain, Kambaria, Kyber Network… đã xây dựng những nền tảng blockchain hoạt động hiệu quả, thu hút được sự quan tâm và đầu tư lớn của cộng đồng blockchain trên toàn thế giới. Đây là cơ hội cho Việt Nam đón đầu ứng dụng công nghệ blockchain nhằm cắt giảm các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp các DN Việt Nam cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Bên cạnh đó, gần đây, việc ứng dụng của công nghệ Blockchain đã bắt đầu được triển khai trên phần mềm hóa đơn điện tử. Đi tiên phong trong dịch vụ phát triển giải pháp và ứng dụng công nghệ blockchain trên phần mềm hóa đơn điện tử đã có MISA. Trong lĩnh vực thuế, MISA phát triển MeInvoice.vn – Giải pháp hóa đơn điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ Blockchain giúp gia tăng tính bảo mật, an toàn và minh bạch của hóa đơn cho DN.
Công nghệ blockchain trên MeInvoice được hiểu như một cuốn sổ cái, ghi nhận toàn bộ trạng thái và cập nhật đầy đủ thông tin về hóa đơn cho các bên tham gia đều có thể kiểm tra và xác thực thông tin. Ngoài ra, ứng dụng blockchain trong phát hành hóa đơn điện tử còn có Công ty cổ phần Công nghệ Vakaxa cũng triển khai.
Dự báo, trong thời gian tới, các công ty phần mềm kế toán sẽ khai thác sâu hơn các ứng dụng của blockchain (không chỉ trên phần mềm hóa đơn điện tử mà trên các phần mềm kế toán). Điều này cũng có nghĩa blockchain có thể mở ra rất nhiều cánh cửa cơ hội cho ngành kế toán, kiểm toán trong tương lai.