Bloomberg: Thế giới sẽ “khát” dầu trong nửa sau năm 2023


Tiêu thụ dầu đang hướng đến ngưỡng kỷ lục trong năm nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chuyên tư vấn cho các nền kinh tế lớn.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Tiêu thụ dầu đang hướng đến ngưỡng kỷ lục trong năm nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chuyên tư vấn cho các nền kinh tế lớn.

Khi mà đại dịch COVID-19 gây căng thẳng trên toàn cầu năm 2022, giám đốc điều hành của BP Plc – ông Bernard Looney từng đưa ra một dự báo gây sốc: ông tin rằng nhu cầu dầu sẽ không bao giờ trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên gần đây, ông đã phải thay đổi quan điểm của mình.

Sau khi thông báo những kế hoạch tham vọng liên quan đến việc cắt giảm khí thải, BP – một trong những doanh nghiệp sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, hiện đang rót thêm tiền vào nhiên liệu hóa thạch.

Tiêu thụ dầu đang hướng đến ngưỡng kỷ lục trong năm nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chuyên tư vấn cho các nền kinh tế lớn. Nguồn cung dầu, chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga – Ukraine, sự chững lại của hoạt động khai thác dầu đá phiến Mỹ và việc thiếu đầu tư trong sản xuất năng lượng, đã không thể bù đắp được lượng cung cầu thiếu hụt.

Việc dự báo về nhu cầu dầu phải thay đổi vì yếu tố Trung Quốc: nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới hiện đang mua gom dầu sau khi đảo ngược chính sách không COVID-19 khắc nghiệt nhất thế giới.

Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, việc nhu cầu tăng cao đã khiến cho hàng loạt tổ chức tài chính từ Goldman Sachs cho đến tập đoàn Vitol dự báo về khả năng giá dầu sẽ tăng lên mức 100USD/thùng.

“Nhu cầu từ Trung Quốc đang lên cao”, CEO của Saudi Aramco – ông Amin Nasser nhấn mạnh trong nghiên cứu công bố ngày 1/3/2023.

Trong nửa sau năm nay, các chuyên gia phân tích nhận định thị trường dầu sẽ đương đầu với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, kịch bản này đã được các nhà lãnh đạo ngành nhắc đến trong hội nghị về năng lượng thường niên mới đây do S&P Global tổ chức.

Tình trạng thiếu dầu tiềm năng cho thấy rằng ngay cả khi thế giới đang nói nhiều hơn đến các nguồn năng lượng sạch hơn, nhu cầu đối với dầu vẫn cao. Dù tình trạng hạn chế nguồn cung mang đến nguồn thu tốt cho các doanh nghiệp sản xuất dầu và nhà đầu tư, nó đang gây tổn hại đến người tiêu dùng và nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương.

“Quan điểm của tôi chính là có thể người ta đang ước tính quá thấp về nhu cầu và đánh giá quá cao quy mô sản xuất của Mỹ”, chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức Trafigura – ông Saad Rahim nói trong hội nghị năng lượng tại London vào tuần trước.

Trong bối cảnh chính sách không COVID-19 đã được đảo ngược, kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh trở lại, nhu cầu dầu vì vậy tăng cao. Sản xuất trong tháng trước cải thiện mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng mạnh, thị trường nhà đất bình ổn.

Quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa tiêu thụ dầu tại Trung Quốc sẽ lập kỷ lục trong năm nay. Nhu cầu dầu hàng ngày sẽ lập kỷ lục ước tính 16 triệu thùng/ngày sau khi suy giảm trong năm 2022, theo ước tính của 11 tổ chức tư vấn chuyên nghiên cứu về Trung Quốc.

Và theo dự báo, không chỉ riêng nhu cầu dầu tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục. Nhu cầu dầu tại nhiều nền kinh tế khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tiêu thụ nhiều hơn khi mà biên giới mở cửa trở lại, nhu cầu toàn cầu lập kỷ lục 101,9 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, thậm chí có thể thâm hụt trong nửa sau của năm, theo IEA.

Hoạt động đi lại bằng đường hàng không đang hồi phục, nhu cầu sử dụng nhiên liệu vì vậy tăng cao. Nhu cầu dầu thô tại Mỹ và châu Âu đồng thời hồi phục.

Việc quốc tế nối lại hoạt động đi lại với Trung Quốc sẽ là một trong những động lực đẩy nhu cầu trong thời gian tới tăng cao hơn, thành viên của ban điều hành tại Vitol – ông Christopher Bake nói trong hội thảo tuần trước. Ông Bake khẳng định sẽ có những diễn biến tích cực trong vài tháng tới.

Nguồn cung cũng không đủ bù cho việc nhu cầu tăng lên. Dù xuất khẩu của Nga bằng đường biển vẫn vững vàng trong tháng trước, các thành viên thị trường đang nhận định về những dấu hiệu gián đoạn sau khi Liên minh châu Âu (EU) và nhóm các nước G7 cấm nhập khẩu dầu và nhiên liệu sau căng thẳng Ukraine.

Hoạt động nhập khẩu dầu của Nga chịu ảnh hưởng khi mà Ấn Độ đương đầu với áp lực từ các bên ngân hàng rằng các lô dầu mà nước này nhập khẩu tuân thủ đúng mốc 60USD/thùng dầu theo trần giá dầu của G7.

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn