Bỡ ngỡ tự chứng nhận xuất xứ
Doanh nghiệp Việt vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ về hình thức tự chứng nhận xuất xứ, trong khi các yêu cầu của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để xây dựng hệ thống tự chứng nhận xuất xứ tại các quốc gia thành viên là không hề đơn giản.
Liên hệ về các quy tắc xuất xứ được quy định chặt chẽ trong CPTPP với ngành dệt may, ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trưởng đoàn đàm phán quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP, có lời khuyên đến các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam là cần điều chỉnh một chút về thành phần trong các loại sợi và vải đang nhập khẩu (NK) để cố gắng làm sao sản phẩm dệt may xuất khẩu (XK) tận dụng được những lợi thế từ hiệp định này mang lại.
Phép thử với dệt may
"Nếu DN dệt may sẵn sàng áp dụng các quy tắc xuất xứ thì phải có đủ kiến thức vững chắc về những quy tắc và phải tự chịu trách nhiệm trong việc chứng minh hàng hóa khi cơ quan hải quan có yêu cầu trong việc kiểm soát hàng NK. Đây cũng là thách thức cho các DN dệt may hiện nay", ông Đức Anh nói.
Với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang thực thi (chưa tính CPTPP), ông Đức Anh cho rằng quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may trong các FTA là tương đối đơn giản, chỉ yêu cầu một công đoạn là sản phẩm phải cắt may tại Việt Nam khi XK sang các thị trường trong các FTA là đã được hưởng thuế suất ưu đãi.
Đáng chú ý, trong Thông tư số 03/2019/ TT-BCT về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP do Bộ Công Thương mới ban hành hôm 22/1/2019 sau khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, theo Cục Xuất nhập khẩu, trong CPTPP quy định tỷ lệ "linh hoạt" cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc "Chuyển đổi mã số hàng hóa" ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa.
"Riêng đối với hàng dệt may, tỷ lệ "linh hoạt" này ở mức tối đa 10% trọng lượng của hàng hóa hoặc 10% trọng lượng của loại sợi hoặc vải quyết định phân loại mã số hàng hóa", Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Thông tư này cũng cho thấy so với các FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia thì Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới trong quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng tân trang, tái chế tạo, có thêm công thức tính RVC (hàm lượng giá trị khu vực) theo trị giá tập trung và công thức tính RVC theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng với ô tô và phụ tùng ô tô).
Ngoài thông tư mới ban hành này, về quy tắc xuất xứ, thời gian qua Bộ Công Thương đã ban hành nhiều thông tư để hướng dẫn và thực hiện các quy định về xuất xứ hàng hóa trong các FTA đã có hiệu lực của Việt Nam.
Có thể nói quy tắc xuất xứ là vấn đề được các DN quan tâm hiện nay với các FTA thế hệ mới như CPTPP hay FTA Việt Nam – EU (EVFTA). Một cuộc khảo sát mới đây với 225 DN xuất nhập khẩu về FTA thế hệ mới cho thấy có tới 156 DN quan tâm đến vấn đề quy tắc xuất xứ.
Còn thiếu kinh nghiệm
Theo chuyên gia Nguyễn Thùy Dương (Đại học Luật Hà Nội), hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định tại Hiệp định CPTPP không chỉ giúp cho DN mà còn giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức, đảm bảo minh bạch, ngăn chặn tối đa gian lận và chứng nhận xuất xứ không hợp lệ với mục đích hưởng ưu đãi thuế quan.
Tuy nhiên, theo lưu ý của bà Dương, các yêu cầu của Hiệp định CPTPP để xây dựng hệ thống tự chứng nhận xuất xứ tại các quốc gia thành viên là không hề đơn giản, đặc biệt đòi hỏi năng lực rất cao của cán bộ hải quan, năng lực của nhân viên trong các DN cũng như khả năng xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn của các DN xuất nhập khẩu.
"Có thể các DN sản xuất ra hàng hóa là chủ thể hiểu rõ nhất quy trình sản xuất hàng hóa như thế nào, nhưng lại thiếu những kiến thức nhất định về các quy tắc xuất xứ hàng hóa, về thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa", bà Dương nói.
Giới chuyên gia cho rằng so với các DN của các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực, DN Việt Nam vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ về hình thức tự chứng nhận xuất xứ này.
Việt Nam đã thực hiện thí điểm chương trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, nhưng cho tới nay, sau ba năm, mới có hai DN được phép thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trên thực tế, ngay cả đối với các hệ thống cấp giấy chứng nhận truyền thống, tỷ lệ vận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên của các DN Việt Nam cũng rất thấp. Một trong những nguyên nhân chính của kết quả này là việc các DN Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc nắm được và hiểu rõ các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa của các FTA.
Không hiểu rõ các quy định dẫn đến thực hiện tự chứng nhận xuất xứ không hợp lệ, các DN không chỉ phải đối mặt với nguy cơ không được hưởng ưu đãi thuế quan mà thậm chí còn phải thực hiện nộp phạt hoặc chịu những hình phạt nặng từ các quốc gia NK nếu không chứng minh được hàng hóa của mình có xuất xứ đúng với việc tự chứng nhận.
Theo các chuyên gia, về mặt chính sách, điều cần làm trong lúc này là hỗ trợ DN Việt trong việc nâng cao khả năng tự chứng nhận xuất xứ để có thể tận dụng tối đa lợi ích từ CPTPP.