Bổ sung diện thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân: Yêu cầu cấp thiết trong thời đại kinh tế số
Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và các hình thức tạo thu nhập mới, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành theo hướng mở rộng diện thu nhập chịu thuế. Đây được xem là bước đi cần thiết để đảm bảo công bằng, chống thất thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bao quát hơn thực tiễn
Góp ý với dự án Luật Thuế TNCN thay thế, Ban Chính sách (Cục Thuế) cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và các hình thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, đầu tư tài sản kỹ thuật số, làm việc tự do… đã tạo ra nhiều nguồn thu nhập mà pháp luật thuế hiện hành chưa kịp điều chỉnh. Việc để những khoản thu nhập này ngoài diện điều chỉnh không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo ra sự bất công bằng giữa các cá nhân có thu nhập.
Ngoài việc bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế, cần thiết phải xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả đối với các nguồn thu nhập mới, nhất là các hoạt động trên môi trường điện tử và xuyên biên giới, nhằm xác định đúng và đủ nghĩa vụ thuế của từng cá nhân.
Hiện nay, một số quốc gia dù chưa công nhận tài sản kỹ thuật số trong các văn bản pháp lý chính thức vẫn đã tiến hành thu thuế TNCN đối với thu nhập từ loại tài sản này. Tại Việt Nam, số lượng người dân tiếp cận và tham gia đầu tư vào tài sản kỹ thuật số nằm trong nhóm cao của khu vực, hoạt động đầu tư này ngày càng mở rộng và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho cá nhân.
Trong bối cảnh đó, việc bổ sung các quy định về thuế TNCN đối với tài sản kỹ thuật số là bước đi cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thuế.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính đang nhận được sự ủng hộ từ giới chuyên gia kinh tế, khi phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn trong bối cảnh thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại hình tài sản và thu nhập mới có giá trị lớn. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có khung pháp lý điều chỉnh rõ ràng, minh bạch, Nhà nước có nguy cơ thất thu ngân sách nghiêm trọng, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế giữa các cá nhân.
Tuy vậy, các ý kiến cũng đồng thuận rằng, để chính sách có thể triển khai hiệu quả, cần phải đi kèm với cơ chế xác định giá trị tài sản và thu nhập rõ ràng, nhất quán, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện hoặc gây tranh cãi. Với các loại thu nhập phức tạp như tài sản kỹ thuật số hay thu nhập xuyên biên giới, việc định danh, giám sát và thu thập dữ liệu đầy đủ là điều kiện tiên quyết. “Chúng ta cần một hệ thống pháp lý đủ mạnh để theo dõi dòng tiền, xác định nguồn gốc thu nhập và định giá tài sản. Trong đó, ứng dụng công nghệ số vào quản lý thuế là yếu tố then chốt”, một chuyên gia nhận định.
Đồng bộ từ tư duy đến hành động
Xét về tổng thể, đề xuất của Bộ Tài chính được đánh giá là bước đi đúng hướng, thể hiện nỗ lực cải cách hệ thống thuế theo hướng hiện đại, công bằng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự đồng thuận từ xã hội và một lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo PGS.TS Phan Hữu Nghị – Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, quản lý thuế hiện nay bao gồm hai nội hàm quan trọng: Quản lý chính sách (ban hành văn bản pháp luật) và quản lý hành thu (triển khai thực thi). Đối với thuế thu nhập cá nhân – một sắc thuế trực thu – cần đặc biệt đảm bảo nguyên tắc công bằng theo chiều dọc, tức là thuế phải phản ánh đúng khả năng nộp thuế của từng cá nhân.
Ông cũng nhấn mạnh, minh bạch tài chính là nguyên tắc trọng tâm trong bối cảnh hiện đại. Để làm được điều này, Nhà nước cần kiểm soát được dòng tiền và điểm đến của các khoản thu nhập, đồng thời đảm bảo chính sách được áp dụng thống nhất, không gây ra sự tùy tiện trong thực thi: “Công tác quản lý cần được tập trung và chuyên nghiệp hóa hơn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phức tạp”.
Cũng có ý kiến cho rằng, tính khả thi trong tổ chức thực hiện cũng được đặt ra như một yếu tố quyết định sự thành công của chính sách. Phần lớn người nộp thuế là cá nhân không có hệ thống kế toán chuyên nghiệp, nên nếu thủ tục kê khai, tính thuế quá phức tạp sẽ dễ dẫn tới sai sót, thậm chí trốn thuế. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể, đơn giản hóa quy trình và tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức tuân thủ của người dân.
Có thể khẳng định, việc mở rộng diện thu nhập chịu thuế không chỉ là một bước điều chỉnh kỹ thuật mà còn là biểu hiện của quá trình hiện đại hóa chính sách thuế, hướng tới một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và thích ứng với kỷ nguyên kinh tế số toàn cầu.