Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và những hàm ý đối với Việt Nam
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) và nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã thông qua Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, trong đó có nội dung chính đề cập đến việc đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiếu. Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu sẽ tác động đến ngân sách nhà nước, nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Bài viết nhằm đề cập đến khung pháp lý của thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng như đưa ra các giải pháp phù hợp, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam và cân bằng lợi ích các bên.
Sự ra đời của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
Nhằm đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế của các quốc gia, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thế giới, tăng cường công tác quản lý thuế đối với các công ty, tập đoàn đa quốc gia, tháng 6/2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) đã khởi xướng và nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã thông qua Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với 02 nội dung chính: (1) Phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận; (2) Đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu.
Ngày 08/10/2021, OECD ra tuyên bố ban hành về khung giải pháp hai trụ cột bao gồm: i) Phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh kỹ thuật số; (ii) Thuế TNDN tối thiểu toàn cầu là 15%. Ngày 20/12/2021, OECD đã công bố các quy tắc chi tiết để hỗ trợ thực hiện cải cách mang tính bước ngoặt đối với hệ thống thuế quốc tế, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) sẽ phải chịu mức thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2023.
Ngày 23/05/2023, Việt Nam đã nộp lưu chiểu văn bản phê chuẩn Công ước đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến hiệp ước nhằm ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (Công ước BEPS), nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để ngăn chặn việc lạm dụng các hiệp định thuế và xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận (BEPS) của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Tính đến ngày 01/06/2023, có khoảng 1.200 hiệp ước được ký kết giữa 81 khu vực tài phán đã phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Công ước BEPS sẽ được sửa đổi bởi Công ước BEPS. Khoảng 650 hiệp ước bổ sung sẽ được sửa đổi sau khi Công ước BEPS được tất cả các Bên ký kết phê chuẩn. Đối với Việt Nam, Công ước BEPS sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9/2023.
Nội dung chính của thuế tối thiểu toàn cầu
Bảng 1: Năm tác động chính của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với kinh tế và đầu tư toàn cầu |
|
STT |
Tác động |
1 |
Làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút dòng vốn này. |
2 |
Các quốc gia phát triển có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn từ thuế tối thiểu toàn cầu. |
3 |
Có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có những xáo trộn trong ngắn hạn khi dòng vốn này có thể quay lại các quốc gia phát triển khi động cơ lẩn tránh thuế giảm xuống, các ưu đãi thuế tại các nước đang phát triển không còn quá hấp dẫn. |
4 |
Chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu có thể thay đổi do các tập đoàn đa quốc gia cân nhắc quyết định chuyển dịch chuỗi sản xuất, cung ứng tùy thuộc vào những thay đổi về thuế quan và ưu đãi của từng quốc gia. |
5 |
Có thể khiến các công ty đa quốc gia có ít động lực hơn trong việc chuyển lợi nhuận tới các nước là “thiên đường thuế” hoặc các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp. |
Nguồn: Tác giả tổng hợp (2023)
Thuế tối thiểu toàn cầu là nội dung thứ hai trong hai trụ cột chính của BEPS, bao gồm các nội dung chính sau:
Thứ nhất, áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trong 2 năm của bốn năm liền kề gần nhất. Theo đánh giá của OECD, việc áp dụng mức thuế suất trên ước tính hàng năm sẽ thu được 150 tỷ USD doanh thu thuế bổ sung.
Thứ hai, Quy tắc chống xói mòn toàn cầu (GloBE) cho phép loại trừ quy tắc khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) đối với các công ty đa quốc gia có tối đa 50 triệu EUR tài sản hữu hình ở nước ngoài và hoạt động không quá 06 quốc gia.
Thứ ba, Quy tắc GloBE không áp dụng điều chỉnh đối với các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí hay quỹ đầu tư mà công ty mẹ tối cao của công ty đa quốc gia đầu tư hoặc bất kỳ hình thức nào của các công ty, tổ chức hoặc quỹ đó.
Thứ tư, với quy tắc GloBE, công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế tối thiểu nếu thuế suất hiệu dụng tối thiểu của công ty con thấp hơn thuế suất tối thiểu toàn cầu. Mức thu “bổ sung” dựa trên phần thu nhập tương ứng của công ty con bị đánh thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, cho quốc gia nơi đặt trụ sở. Ngoài ra, quy tắc GloBE cũng đưa ra loại trừ tối thiểu đối với các quốc gia mà ở đó các công ty thành viên có doanh thu ít hơn 10 triệu EUR và thu nhập ròng ít hơn 1 triệu EUR hoặc lỗ ròng trung bình ba năm gồm năm soát xét và hai năm trước đó.
Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam
Tác động đối với nhà đầu tư và thu hút vốn FDI
Tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mức phổ thông là 20%, thuế suất ưu đãi là 10%, ưu đãi miễn 4 năm, giảm 50% đến 9 năm; chuyển lỗ trong 5 năm… Riêng đối với dự án đầu tư đặc biệt còn được áp dụng thuế suất thuế ưu đãi 9% trong thời gian 30 năm; 7% trong thời gian 33 năm; 5% trong thời gian 37 năm. Ngoài ra, dự án đầu tư đặc biệt còn được miễn thuế từ 5-6 năm, giảm 50% số thuế phải nộp từ 10-13 năm. Mức ưu đãi thuế của Việt Nam còn hấp dẫn đối với đầu tư mới theo từng lĩnh vực, từng địa bàn gồm ưu đãi về lãi suất, thời gian miễn, giảm thuế.
Vì thế, ưu đãi thuế vẫn là một trong những công cụ quan trọng thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Với mức thuế suất tối thiểu 15%, khi áp dụng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, có các quốc gia có đầu tư vốn lớn vào Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Năm 2020, Việt Nam lọt vào nhóm 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm. Năm 2021, tổng vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD và năm 2022 là gần 30 tỷ USD, tuy có giảm nhưng cũng cho thấy sự tin tưởng vào công tác chống dịch và tình hình kinh tế phục hồi sau đại dịch của Việt Nam.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 335 dự án đầu tư nước ngoài có đăng ký trên 100 triệu USD, chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam. Hầu hết các dự án này đang được hưởng chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp thấp hơn mức thuế tối thiểu 15%. Nếu theo quy tắc GloBE thì những doanh nghiệp này vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại công ty mẹ. Như vậy, tính hấp dẫn trong ưu đãi thuế để thu hút đầu tư sẽ không còn.
Tuy nhiên, về thu ngân sách đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của những doanh nghiệp trên sẽ được hưởng lợi do thuế tối thiểu là 15% cao hơn so với mức thuế ưu đãi hiện tại của Việt Nam.
Tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối tháng 3/2023, Việt Nam có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn gần 21,9 tỷ USD. Các dự án này tập trung chủ yếu ở các quốc gia như: Lào, Campuchia, Venezuela… là các quốc gia đang có chính sách thuế ưu đãi với lãi suất thấp hơn thuế tối thiếu 15%.
Như vậy, Việt Nam có quyền được áp dụng quy tắc GloBE trong việc đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp này nếu thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra bài toán khó giải cho các doanh nghiệp trong nước khi đi đầu tư vì làm tăng một khoản chi phí thuế, giảm lợi nhuận và áp lực trong quản trị dòng tiền, kế hoạch sản xuất kinh doanh…
Nhìn chung, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có nhiều tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, tác động đến doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, từ đó tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như công tác quản lý thuế cho hai đối tượng trên. Điều đó, thúc đẩy Chính phủ, các nhà nghiên cứu phải vào cuộc để đưa ra được nhiều giải pháp phù hợp cho cả cách chính sách thuế trong thời gian tới.
Một số kiến nghị
Trên cơ sở đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn đối với nhà đầu tư và thu hút đầu tư vốn FDI và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, xem việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội để cải cách chính sách thuế thông qua việc nghiên cứu cách thức triển khai của các quốc gia đã thực hiện, cả thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua giải pháp hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp chịu tác động.
Thứ hai, nghiên cứu kỹ các hướng dẫn thực hiện của OECD để có điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Qua đó, giúp nội luật hóa kèm hướng dẫn thực hiện chi tiết cho các đối tượng liên quan.
Trong đó, cần quy định về thuế TNDN bổ sung đối với các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15% - theo quy định QDMTT của OECD) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024).
Thứ ba, cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh thay vì hướng tới ưu đãi về thuế.
Thứ tư, có kế hoạch truyền thông về các quy định đến thuế tối thiếu toàn cầu; tập huấn cho cán bộ và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý. Nâng cao ý thức tự nguyện khai báo thông tin và nộp thuế của các đối tượng chịu sự tác động.
Tài liệu tham khảo:
- Cấn Văn Lực và cộng sự (2023), Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, tác động và giải pháp đối với Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài;
- Cấn Văn Lực (2023), Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu: Tác động và một số kiến nghị. Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023;
- Anh Minh (2023). Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Những vấn đề đặt ra. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Nguyễn Thị Kim Chi, Lê Trung Đạo (2021), Mối quan hệ nhân quả giữa thuế và đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu thực nghiệm tại các quốc gia đang phát triển. Tạp chí nghiên cứu Tài chính – Marketing;
- OECD/G20 (2021), Two-Pillar Solution to Address the Tax Challenges Arising from the Digitalisation of the Economy;
- OECD (2022), Two-Pillar Solution to Address the Tax Challenges Arising from the Digitalisation of the Economy: Frequently asked Questions;
- Niels Johannesen (2022), The global minimum tax. Journal of Public Economics.