Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thể chế hóa mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước về chính sách thuế với doanh nghiệp
Kể từ năm 2008, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đòi hỏi Luật Thuế TNDN hiện hành cần được nghiên cứu, rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các mục tiêu, định hướng của Đảng, của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đất nước và về cải cách hệ thống chính sách thuế.
Cần thiết phải sửa Luật
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNDN được thông qua ngày 3/6/2008 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 để thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003. Từ đó đến nay, Luật Thuế TNDN đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013 và năm 2014 để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Đất nước cũng như xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn. Ngoài ra, trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội cũng đã ban hành một số nghị quyết về giảm thuế TNDN cho một số đối tượng để kịp thời hỗ trợ cho các DN chịu ảnh hưởng.
Bộ Tài chính đánh giá, kể từ khi ban hành đến nay, về cơ bản, các nội dung của Luật Thuế TNDN và các Luật sửa đổi, bổ sung đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống KT-XH, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách thuế TNDN ngoài việc đảm bảo nguồn thu quan trọng, ổn định cho NSNN, thực hiện chính sách phân phối lại trong nền kinh tế còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các DN mở rộng sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, bối cảnh KT-XH trong nước và quốc tế hiện nay đang có nhiều thay đổi, sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học và công nghệ và công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và mở rộng của các mô hình doanh mới, nhất là các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế chia sẻ…, qua đó, cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cho việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN của Việt Nam.
Bên cạnh đó, qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn vừa qua, chính sách thuế TNDN cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển trong thời gian tới, bao gồm các quy định về thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, phương pháp tính thuế, các nguyên tắc liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ và về chính sách ưu đãi thuế TNDN. Lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế TNDN được mở rộng nhưng vẫn thiếu các chính sách ưu đãi về thuế TNDN phù hợp cho một số lĩnh vực ưu tiên (như ưu đãi thuế cho DN có quy mô nhỏ, DN khoa học và công nghệ...) nên cũng cần được rà soát, điều chỉnh.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới, có quy định chính sách ưu đãi thuế TNDN như: Luật Đầu tư năm 2020, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017…; các quy định về điều kiện, nguyên tắc áp dụng và chuyển tiếp ưu đãi thuế cũng đang phát sinh vướng mắc, chưa thống nhất giữa Luật thuế TNDN và pháp luật có liên quan.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, Luật Thuế TNDN hiện hành cần được nghiên cứu, rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các mục tiêu, định hướng của Đảng, của Nhà nước về phát triển KT-XH của Đất nước, về cải cách hệ thống chính sách thuế nêu trên.
Qua đó, góp phần cơ cấu lại NSNN theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích và thu hút đầu tư hiệu quả, có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn và các ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước gắn với yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước
Mới đây, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Mục tiêu của dự án này đó là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030, trong đó, có chính sách thuế TNDN. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển KT-XH, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Dự Luật cũng sẽ phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phù hợp với xu hướng cải cách chính sách thuế TNDN trên thế giới, đồng thời, đảm bảo ổn định nguồn thu cho NSNN.
Về mục tiêu cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, việc sử đổi Luật Thuế TNDN sẽ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ DN mở rộng sản xuất, kinh doanh; rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên theo định hướng của Đảng và Nhà nước; có chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với DN có quy mô nhỏ, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN để nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định trong tương lai.
Việc này cũng nhằm mở rộng cơ sở thuế, hạn chế được các hành vi dịch chuyển lợi nhuận làm xói mòn cơ sở thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để chống gian lận, chống thất thu thuế TNDN, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN. Đồng thời, khắc phục được các bất cập, vướng mắc trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của Luật Thuế TNDN cũng như sự thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan; góp phần tham gia hiệu quả các sáng kiến, diễn đàn quốc tế về thuế.