Bộ Tài chính cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

PV.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực tài chính.

Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ. Nguồn: internet
Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ. Nguồn: internet

Cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

Bộ Tài chính đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản do Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản về hành chính, Thông tư của Bộ trưởng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Năm 2019, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, bãi bỏ 49 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 23 thủ tục và ban hành mới 38 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, công sản, ngân hàng và bảo hiểm để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phải mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng như: Tham gia chương trình tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Rà soát cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính trên tất cả các lĩnh vực vào phần mềm thống kê, rà soát.

Cùng với đó, rà soát và kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong đó, ưu tiên nhóm quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; Hàng năm các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để kịp thời trình Bộ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh

Tổ chức tiếp nhận, thu thập, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị, ý kiến của doanh nghiệp, người dân về các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài chính, qua đối thoại, tham vấn để đề xuất những vấn đề cần ưu tiên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ hoặc thay thế các quy định…

Trong thời gian tới, các đơn vị thuế, hải quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa trong công tác thu nộp ngân sách. Theo đó, tiếp tục triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN…

07 giải pháp trọng tâm nhằm cắt giảm, đơn giản hóa quy định

Trên cơ sở những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, Bộ Tài chính đã xây dựng 07 giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện tốt Kế hoạch về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, cụ thể:

Một là, tăng cường chỉ đạo thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo môi trường bình đẳng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Hai là, đẩy mạnh truyền thông và đối thoại giữa Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ với người dân, doanh nghiệp; Huy động sự tham gia tích cực của các Hiệp hội doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị, góp ý về các dự thảo văn bản và văn bản hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính để tăng tính phản biện của doanh nghiệp, người dân về các quy định pháp luật, qua đó nâng cao chất lượng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Ba là, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng, mục tiêu, yêu cầu của Chương trình của Chính phủ và Kế hoạch về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025.

Bốn là, nâng cao chất lượng phối hợp giữa Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc Bộ trong việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và giải quyết những vấn đề còn có những vướng mắc, bất cập.

Năm là, phát triển đồng bộ và song hành, tương hỗ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và tổ chức tham vấn hiệu quả chính sách, văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính và Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bảy là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, của tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình; Tăng cường theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí, doanh nghiệp, người dân về kết quả cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Được biết, năm 2019, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, bãi bỏ 49 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 23 thủ tục và ban hành mới 38 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, công sản, ngân hàng và bảo hiểm để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; triển khai trực tuyến 982 thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính (trong đó 114 dịch vụ mức độ 1, 364 dịch vụ mức độ 2, 197 dịch vụ mức độ 3 và 307 dịch vụ mức độ 4).