Bộ Tài chính chủ động rà soát cơ sở pháp lý về ngành nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh
Đó là khẳng định của ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính tại cuộc trao đổi với phóng viên liên quan tiến độ rà soát các Thông tư, Quyết định có quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh; kế hoạch xây dựng các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như tình hình cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Phóng viên: Có bao nhiêu ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính mà điều kiện đầu tư kinh doanh hiện đang được quy định tại Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ Tài chính, cần nâng cấp lên Nghị định theo quy định của Luật Đầu tư 2014?
Ông Ngô Hữu Lợi: Ngay sau khi Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 7/8/2015 của Chính phủ được ban hành về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp rà soát các quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ Tài chính, để nâng cấp lên Nghị định.
Theo đó, trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, và 11 Thông tư có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh cần đưa lên Nghị định, thuộc 9 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cụ thể: Kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Kinh doanh bán hàng miễn thuế; Kinh doanh dịch vụ tập kết, kiểm tra hải quan trong, ngoài khu vực của khẩu; Kinh doanh chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm; Kinh doanh tái bảo hiểm; Môi giới bảo hiểm; Đại lý bảo hiểm; Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm.
Tiến độ cụ thể của việc xây dựng các văn bản này thế nào thưa Ông?
Kế hoạch soạn thảo các Nghị định để trình Chính phủ của Bộ Tài chính đã được xây dựng trên cơ sở kết quả rà soát và sự phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để triển khai Nghị quyết 59/ NQ-CP của Chính phủ. Các Nghị định này có thể chia thành 02 nhóm như sau:
Nhóm 1 gồm các Nghị định được xây dựng để quy định điều kiện đầu tư kinh doanh hiện đang quy định tại Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ, Nhóm này có 5 Nghị định cần xây dựng là: Nghị định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng; Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Hải quan; Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán; Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định.
Đối với nhóm này, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 66/TB-VPCP ngày 27/4/2016, công văn 789/TTg-PL ngày 14/5/2016, Bộ Tài chính đã đẩy nhanh tiến độ soạn thảo theo trình tự thủ tục rút gọn. Tính đến nay, tiến độ xây dựng các Nghị định cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. 01 dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ; 04 dự thảo Nghị định vừa mới nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hiện đang gấp rút hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ. Riêng đối với Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế thì theo kế hoạch xây dựng văn bản hướng dẫn các Luật sẽ có hiệu lực cùng với hiệu lực của Luật (1/7/2016) nên sẽ đảm bảo yêu cầu của Luật Đầu tư.
Nhóm 2 gồm các Nghị định quy định về các ngành nghề đầu tư kinh doanh chưa có quy định pháp luật. Theo quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014 thì trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có 24 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có 3 ngành nghề đầu tư kinh doanh chưa có quy định của pháp luật cần xây dựng mới, bao gồm: Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; Nghị định về kinh doanh casino; Nghị định quy định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Cả 3 Nghị định này đều đã được Bộ Tài chính soạn thảo và trình Chính phủ để ban hành. Như vậy, đã đảm bảo thời hạn trình Chính phủ theo yêu cầu của Thủ tướng.
Trong Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm thuế TNDN, thuế TNCN và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN ngay trong năm 2016. Bộ Tài chính có hướng giải pháp nào để cân đối giữa việc hỗ trợ DN mà vẫn đảm bảo được mục tiêu thu ngân sách trong năm nay?
Trong những năm qua, để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều giải pháp về thuế đã được thực hiện và có hiệu quả thiết thực.
Để tiếp tục hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP với nhiều giải pháp về chính sách và quản lý thuế. Thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Quyết định số 1239/QĐ-BTC ngày 31/5/2016 về Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện NQ 35 nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Về cân đối giữa việc hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm mục tiêu thu ngân sách của năm 2016, cần nhìn nhận về từng nhóm giải pháp, như sau:
Đối với các giải pháp xây dựng năm 2016 nhưng thực hiện vào các năm sau thì chưa ảnh hưởng tới thu ngân sách năm 2016.
Đối với các giải pháp thực hiện ngay trong năm 2016 thì tuy có làm giảm thu NSNN (từ năm 2016 trở đi) nhưng những tác động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cũng sẽ giúp duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ làm tăng thu NSNN và đây là biện pháp đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Thực tế, kinh nghiệm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn 2012-2014 cũng đã cho thấy điều này.
Ngoài ra, các giải pháp về quản lý sẽ giúp cho công tác quản lý thuế hiệu quả hơn mà không làm giảm thu ngân sách.
Để vừa đảm bảo nguồn thu NSNN, vừa có các chính sách thuế nhằm hỗ trợ và phát triển DN, số giảm thu NS sẽ được bù đắp bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác xử lý nợ đọng thuế; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, nhất là đối với hoạt động chuyển nhượng dự án, chống chuyển giá...Thực hiện có kết quả Nghị quyết 19 năm 2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành.
Trong lĩnh vực thuế và hải quan, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, nhưng một số Thông tư, Nghị định vẫn còn kéo dài thời gian thông quan hay việc chậm hoàn thuế Giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Phải chăng cải cách thuế và hải quan là rất khó?
Liên quan đến CCHC nói chung, 3 năm qua, Chính phủ luôn ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. Triển khai Nghị quyết 19 trong các năm 2014-2015 thì Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp quyết liệt nên đã đạt nhiều kết quả tích cực được cộng đồng DN đánh giá rất cao. Có thể khái quát một số kết quả chính như: thời gian nộp thuế giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm (giảm 420 giờ/năm); thời gian làm thủ tục XNK là 13 ngày đối với XK và 14 ngày đối với NK; triển khai một cửa quốc gia, áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS thời gian thông quan hàng hóa đối với luồng xanh chỉ còn 3 giây.
Về việc giảm thời gian thông quan hàng hóa, trong thực tế thời gian làm thủ tục của cơ quan Hải quan chỉ chiếm 28%, trong khi thời gian kiểm tra chuyên ngành lên tới 72% nên để giảm thời gian thông quan cần phải có sự phối hợp và vào cuộc của nhiều Bộ, ngành, nhất là việc sửa đổi các quy định về kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực.
Để giảm thời gian thông quan, Bộ Tài chính đã và đang chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi các văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra liên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ, ngành quản lý ngành phải sửa đổi lên tới 87 văn bản. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thành lập các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung (07 điểm) qua đó đã giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa.
Về thời gian hoàn thuế GTGT, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào việc chấp hành, tuân thủ các quy định về hoàn thuế đối của DN cũng như việc DN cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý cho việc hoàn thuế, ngoài ra để giảm nhanh thời gian hoàn thuế thì cần đẩy mạnh hoàn thuế điện tử, để làm được điều này chúng tôi cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ sở pháp lý cho việc hoàn thuế. Cả 2 việc này đều đang được Bộ Tài chính tiến hành rất gấp rút. Khi cơ sở dữ liệu đi vào hoạt động sẽ giúp giảm thời gian thực hiện các TTHC về thuế cho DN.
Cũng liên quan đến việc giảm thời gian về thuế, tại Nghị quyết 19 năm 2016 đã đặt ra các yêu cầu khá cao đối với lĩnh vực thuế và hải quan như: Năm 2017 đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế trong đó bao gồm cả chỉ tiêu hoàn thuế; Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa XNK xuống còn tối đa 10 ngày đối với XK và 12 ngày đối với NK; Năm 2020 đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3, thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa dưới 36 giờ đối với xuất khẩu, 41 giờ đối với nhập khẩu. Đây là những yêu cầu rất cao, do đó để đạt được những mục tiêu này, Bộ Tài chính đã khẩn trương hành động. Cụ thể, Ngày 23/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1134/QĐ-BTC ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai NQ19 với 73 giải pháp hết sức cụ thể và những giải pháp này được chi tiết hóa thành 118 sản phẩm và phân công cụ thể cho các đơn vị với tiến độ thời gian cũng rất cụ thể, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.
Có thể nói, cải cách hành chính nói chung và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan nói riêng đều có những khó khăn trở ngại nhất định, càng về sau càng nhiều yêu cầu cao. Để đạt được những mục tiêu như NQ19, không chỉ cần những giải pháp quyết liệt mà còn cần sự nỗ lực quyết tâm của CBCC ngành Tài chính, CBCC thuế, hải quan mà còn rất cần sự phối hợp, sự vào cuộc có hiệu quả của các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp.