Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tác động tích cực của việc giảm lệ phí trước bạ
Theo Bộ Tài chính, từ tháng 12/2019, dịch COVID-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như làm gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu mua ô tô suy giảm.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch COVID-19, ngày 28/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Theo đó, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 bằng 50% mức thu LPTB đối với ô tô quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 về LPTB.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP đã mang lại những tác động tích cực. Theo đó, đối với người tiêu dùng, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe của người dân và kích cầu tiêu dùng.
Còn đối với nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc điều chỉnh giảm 50% LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất.
Đặc biệt, đối với thu ngân sách nhà nước, theo thống kê cho thấy, tổng số thu LPTB lần đầu đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm 2020 là 7.314 tỷ đồng. Do thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nên số thu LPTB theo chính sách trong 6 tháng cuối năm 2020 được đánh giá giảm tương ứng là 7.314 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, số thu LPTB 6 tháng cuối năm 2020 của các địa phương trên cả nước vẫn tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2020 do sản lượng xe ô tô bán ra trong 6 tháng cuối năm 2020 tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Cùng với đó, việc giảm 50% mức thu LPTB dẫn đến sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên, từ đó làm tăng số thu về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đề xuất giảm 50% mức thu hiện hành
Vì những tác động tích cực trên, Bộ Tài chính cho rằng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, kích cầu tiêu dùng, trên cơ sở pháp lý, cơ sở thực việc ban hành Nghị định quy định giảm mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết và phù hợp.
"Việc ban hành chính sách này nhằm mục đích kích thích tiêu dùng trong nước; tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19", Bộ Tài chính khẳng định.
Để thực hiện được mục tiêu, quan điểm đã nêu trên, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 20/10/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2021.
Bộ Tài chính dự kiến thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 15/11/2021 đến hết ngày 15/5/2022. Tuy nhiên, trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định được quy định từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.
Bộ Tài chính khẳng định, việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Đặc biệt, chính sác này vẫn sẽ tác động tăng tổng thu ngân sách nhà nước bởi vì mặc dù việc giảm 50% mức thu LPTB sẽ làm giảm số thu LPTB theo chính sách, nhưng do số lượng xe ô tô tiêu thụ tăng lên nên tổng số thu ngân sách nhà nước về LPTB, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng vẫn tăng lên.
Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính cũng nhận định việc tái áp dụng chính sách ưu đãi về LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khoảng thời gian ngắn hạn (như đã áp dụng theo quy định tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19 có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, và Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Tuy nhiên, biện pháp giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng. Đây được xem là biện pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của nhiều quốc gia trên thế giới hầu hết đều đã có các nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thậm chí các nhà máy lắp ráp này có công suất khá lớn (Toyota, Mazda, Hyundai, Kia...).
Đồng thời, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích cho hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới. Do đó, biện pháp giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không chỉ mang lại tác động tích cực cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa, mà còn có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Hơn nữa, do được hưởng lợi từ chính sách, một vài doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua đã và đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động lắp ráp, mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam để cung ứng cho thị trường.