Bộ Tài chính kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công


Với tiến độ giải ngân như 3 năm trở lại đây thì việc sử dụng hết số kế hoạch vốn còn lại năm 2020 là không khả thi. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lo không sử dụng hết số kế hoạch vốn còn lại năm 2020 

Báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị trực tuyến "Tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019" tổ chức sáng 13/9/2019 cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đầy và năm 2019 là rất chậm.

Trong 3 năm 2016-2018, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đã thực hiện là 137.176 tỷ đồng, đạt 74,53% dự toán được Quốc hội giao. Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2019 khoảng 6.286,316 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng số vốn đầu tư công đã thực hiện giai đoạn 2016-2018 mới đạt 137.176 tỷ đồng. Trường hợp năm 2019 số giải ngân thực tế đạt tối đa bằng số kế hoạch (60.000 tỷ đồng) thì số kế hoạch còn lại cho năm 2020  là 162.824 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với tiến độ giải ngân như 3 năm trở lại đây thì việc sử dụng hết số kế hoạch vốn còn lại năm 2020 là không khả thi, trong đó vướng mắc lớn hiện nay là việc giao kế hoạch chậm và không phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, quy trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn dài và phức tạp.

Đồng bộ nhiều giải pháp trong những tháng cuối năm

Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy khối lượng giải ngân trong các tháng cuối năm 2019 nhằm đạt kế hoạch vốn đề ra, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1042/CĐ-TTg và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các nhóm biện pháp đối với những vướng mắc hiện nay.

Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng số vốn đầu tư công đã thực hiện giai đoạn 2016-2018 mới đạt 137.176 tỷ đồng. Trường hợp năm 2019 số giải ngân thực tế đạt tối đa bằng số kế hoạch (60.000 tỷ đồng) thì số kế hoạch còn lại cho năm 2020  là 162.824 tỷ đồng.

Theo đó, về giải pháp chung, hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư công, do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công; rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020 theo đúng Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, đảm bảo trong phạm vi 02 triệu tỷ đồng, giảm vốn vay trong nước tương ứng với việc tăng vốn nước ngoài.

Về những giải pháp cụ thể, Bộ Tài chính cũng đã có những kiến nghị đối với các cơ quan liên quan. Theo đó, về vấn đề giao kế hoạch vốn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao đủ kế hoạch 60.000 tỷ đồng vốn nước ngoài năm 2019. Trên cơ sở đó, các Bộ chủ quản, cơ quan tài chính các cấp hoàn thành việc giao, nhập và phê duyệt trên TABMIS để các dự án có cơ sở giải ngân hết kế hoạch vốn trong thời gian còn lại của năm 2019. Đối với các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch trong năm 2019, cho phép các Bộ, ngành và địa phương được đưa phần vốn chưa sử dụng hết vào kế hoạch năm 2020 nhằm đảm bảo triển khai liên tục để hoàn thành dứt điểm các dự án đang triển khai.

Đối với vấn đề điều chỉnh kế hoạch vốn, để giúp các dự án có thể nhanh chóng triển khai theo đúng tiến độ trong khi cơ chế điều chỉnh kế hoạch vốn chưa được sửa đổi, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc rà soát và báo cáo ngay các cấp có thẩm quyền để thực hiện việc điều chuyển các nguồn vốn giữa các dự án cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế, đặc biệt là đối với các dự án điều chuyển, điều chỉnh nội bộ trong kế hoạch của các Bộ, ngành địa phương đã được bố trí nhưng không vượt kế hoạch.

Đối với các Bộ chủ quản và địa phương, trong khâu thực thi, cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan có liên quan giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn hiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại; khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ; theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.

Với các dự án có thay đổi về chủ trương đầu tư, các Bộ chủ quản và địa phương làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc dự án; đối với đề nghị gia hạn rút vốn tại hiệp định vay nước ngoài, cơ quan chủ quản cần gửi Bộ Tài chính ít nhất trước 3 tháng để thực hiện đàm phán với nhà tài trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Đối với cơ quan cho vay lại, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam phối hợp với các cơ quan chủ quản và chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc về thẩm định cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, ký hợp đồng cho vay lại. Đối với vướng mắc của các dự án cho vay lại qua Ngân hàng này, Bộ Tài chính đề xuất tổ chức các buổi làm việc với các bên có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc cụ thể của từng dự án.

Về phần mình, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình đánh giá 01 năm triển khai Luật Quản lý nợ công, Bộ sẽ đồng thời rà soát và đánh giá việc thực hiện các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công trong đó có Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA và vay nước ngoài của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức tuyên truyền để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về  việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.

Bộ Tài chính cũng sẽ chỉ đạo Kho bạc Nhà nước khẩn trương triển khai Nghị định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước ngay sau khi Chính phủ ký ban hành. Tiếp tục rà soát quy trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn quy định; Không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 04 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm...