Bộ Tài chính lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính

Trần Huyền

Bộ Tài chính vừa ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Một trong những nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa của Bộ Tài chính là lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thực hiện TTHC.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy chế thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC của Bộ Tài chính quy định về nguyên tắc, quy trình thực hiện, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng Bộ, các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC của Bộ Tài chính.

Theo Quy chế, nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa là lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thực hiện TTHC.

TTHC được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết tập trung, thống nhất một đầu mối. Quá trình giải quyết TTHC được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, đánh giá và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân. Đảm bảo giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức đúng thời hạn, đúng quy định, công khai, minh bạch; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá 01 lần trong suốt quá trình giải quyết TTHC. Không phát sinh chi phí thực hiện TTHC ngoài quy định pháp luật.

Quy chế nêu rõ, Bộ phận Một cửa không can thiệp vào quy trình giải quyết TTHC nội bộ của đơn vị giải quyết TTHC và có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, theo dõi quá trình giải quyết TTHC, đảm bảo việc giải quyết TTHC đúng quy định. Công chức của đơn vị giải quyết TTHC không được trực tiếp tiếp nhận hồ sơ TTHC của cá nhân, tổ chức, yêu cầu bổ sung hồ sơ hoặc trả kết quả TTHC.

Đối với các TTHC được giải quyết qua cơ chế một cửa, trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc cần làm rõ các nội dung có liên quan đến giải quyết TTHC thì thông qua Bộ phận Một cửa yêu cầu cá nhân, tổ chức bổ sung hồ sơ theo quy định.

Các TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến được thực hiện trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính. Cục Tin học và Thống kê tài chính có trách nhiệm cải thiện, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính để đảm bảo thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật với Hệ thống một cửa điện tử theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông theo lộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ phận Một cửa có trách nhiệm chuyển hồ sơ giấy (bao gồm hồ sơ nộp lần đầu và hồ sơ được bổ sung để thực hiện TTHC), hồ sơ đã được số hóa và hồ sơ điện tử (được tiếp nhận trực tuyến qua hệ thống MCĐT) đến đơn vị giải quyết TTHC theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này ngay trong ngày làm việc đối với hồ sơ tiếp nhận trước 15 giờ hoặc trước 9 giờ ngày làm việc tiếp theo đối với hồ sơ tiếp nhận sau 15 giờ hàng ngày.

Đối với hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến qua Hệ thống MCĐT, Bộ phận Một cửa chuyển dữ liệu hồ sơ đến đơn vị giải quyết TTHC đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên Hệ thống MCĐT.

Theo Quy chế, trước ngày đến hạn chậm nhất 0,5 ngày, đơn vị giải quyết TTHC có trách nhiệm chuyển kết quả giải quyết TTHC đến Bộ phận Một cửa và đồng bộ thông tin lên Hệ thống một cửa điện tử. Bộ phận Một cửa trả kết quả cho tổ chức, cá nhân và cập nhật kết quả vào Hệ thống một cửa điện tử. 

Đặc biệt, khuyến khích việc giải quyết TTHC xong trước hạn trả kết quả. Trường hợp có kết quả giải quyết TTHC trước hạn, đơn vị giải quyết TTHC cập nhật thông tin vào Hệ thống một cửa điện tử và báo Bộ phận Một cửa thông báo cho tổ chức, cá nhân đến nhận kết quả.

Trường hợp đến hạn trả kết quả mà tổ chức, cá nhân chưa đến nhận, Bộ phận Một cửa có trách nhiệm lưu giữ trong thời hạn 01 năm. Trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu sao y bản chính kết quả giải quyết TTHC, Bộ phận Một cửa là đầu mối, phối hợp

Quy chế cũng quy định cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm; phí, lệ phí giải quyết TTHC; quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức yêu cầu và trách nhiệm của các đơn vị trực tiếp giải quyết TTHC; quyền hạn và trách nhiệm của Bộ phận Một cửa; Trách nhiệm của Trưởng Bộ phận Một cửa; quyền, trách nhiệm của công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa; quy trình giải quyết TTHC.