Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ.
Thị trường TPDN đã và đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các DN, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương của Nhà nước và phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trưởng tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh đã phát sinh các rủi ro tiềm ẩn, một số hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ trong thời gian gần đây có vi phạm và một số sai phạm nghiêm trọng mang tính chất lừa đảo đã được cơ quan có thẩm quyền khởi tổ.
Chỉ thị số 01/CT-BTC nêu rõ, từ tháng 9/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ có 4 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường TPDN và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có 3 công văn chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý giám sát, kiểm tra tình hình thị trường TPDN.
Ngày 18/4/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về việc triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch TPDN
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch TPDN. Trong đó, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; trình Bộ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 5/2022.
Đồng thời, xây dựng, trình Bộ ban hành thông tư hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP trong tháng 7/2022.
Đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát quy định tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 155/2020/NĐ CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán để sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế, báo cáo Bộ trước ngày 30/5/2022.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình Bộ ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, bao gồm tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu để quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức này, đảm bảo triển khai ngay khi nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, hoàn thành trong tháng 7/2022; Trình Bộ ban hành thông tư hướng dẫn tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP trong tháng 7/2022.
Tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường TPDN. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội rà soát các DN phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ (tại thời điểm 31/3/2022) để đề xuất danh sách DN cần kiểm tra, thanh tra gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Việc rà soát danh sách theo các tiêu chí khối lượng khi phát hành và khối lượng còn dư nợ lớn; có số đợt phát hành nhiều, liên tục; phát hành lãi suất cao; DN phát hành có kết quả kinh doanh lỗ, có số dư nợ TPDN lẻ lớn hơn vốn chủ sở hữu; trái phiếu phát hành cho mục đích cơ cấu lại nợ, tăng quy mô vốn hoạt động nhưng không nêu cụ thể tại phương án phát hành và bản công bố thông tin; trái phiếu không có tài sản đảm bảo và không được bảo lãnh thanh toán do các DN không phải ngân hàng thương mại phát hành; trái phiếu có tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thứ cấp cao; hoàn thành trước ngày 3/5/2022.
Bộ trưởng yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội rà soát tình hình thực hiện công bố thông tin định kỳ của các DN phát hành, tình hình thực hiện chế độ báo cáo của các tổ chức cung cấp dịch vụ; rà soát, cập nhật số liệu và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tình hình phát hành, mua lại, thanh toán gốc, lãi, dư nợ, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có văn bản yêu cầu DN tuân thủ chế độ công bố thông tin đối với các DN phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ (tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu) theo quy định.
Các DN phát hành đã công bố thông tin trước đợt phát hành nhưng chưa tổ chức phát hành hoặc chưa kết thúc đợt chào bán phải yêu cầu tổ chức tư vấn rà soát việc đáp ứng điều kiện, hồ sơ chào bán đảm bảo đúng quy định, rà soát tình hình thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin đối với các trái phiếu còn dư nợ, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn từ các trái phiếu đã phát hành có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán tại thời điểm gần nhất trong vòng 6 tháng (nếu có) và công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trước khi tổ chức phát hành.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Cục Tài chính DN, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội khẩn trương kiểm tra giám sát tình hình phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các DN phát hành lớn báo cáo Lãnh đạo Bộ, hoàn thành trước ngày 10/5/2022. Trường hợp qua kiểm tra giám sát DN phát hành trái phiếu phát hiện dấu hiệu không tuân thủ các quy định pháp luật thì tổ chức thanh tra phát hiện mức độ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.
Giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ
Tại Chỉ thị số 01/CT-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chỉ đạo các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu, đăng ký, lưu ký trái phiếu chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ.
Trong đó, đối với các tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, rà soát chặt chẽ, đảm bảo DN phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và pháp luật chứng khoán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát của mình. Đối với các hợp đồng tư vấn đang triển khai, phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ của DN, chất lượng các thành phần hồ sơ cung cấp, đặc biệt là báo cáo tài chính, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, hồ sơ về tài sản đảm bảo để yêu cầu DN công bố lại thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trước khi phát hành.
Hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tổ chức tư vấn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo định kỳ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với DN phát hành; công bố đầy đủ, chính xác thông tin của DN phát hành, trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư theo phương án phát hành, bản công bố thông tin chào bán trái phiếu đã được phê duyệt và chỉ chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư đủ điều kiện mua trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Hành vi cung cấp không chính xác, không đầy đủ thông tin và chào mời cho sai đối tượng nhà đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, rà soát toàn bộ các TPDN đang được đăng ký, lưu ký về khối lượng trái phiếu đăng ký, lưu ký, tình hình thanh toán gốc, lãi, số lượng và loại hình nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tính đến thời điểm 15/4/2022, báo cáo về Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trước ngày 30/4/2022.
Các tổ chức này phải tuân thủ quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng TPDN phát hành riêng lẻ; rà soát, lưu trữ hồ sơ về xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo đầy đủ, trung thực, chính xác theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán, Điều 4, Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán có văn bản chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kiểm toán, tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, người hành nghề kế toán, kiểm toán tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khi cung cáp dịch vụ, trong đó có việc kiểm toán các báo cáo tài chính, các hồ sơ công bố thông tin của các DN phát hành trái phiếu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; trường hợp có dấu hiệu vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán phải xử lý theo quy định pháp luật.
Cục Quản lý giá có văn bản chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức thẩm định giá, người hành nghề thẩm định giá tuân thủ quy định pháp luật về thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá, trong đó bao gồm việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của DN phát hành TPDN. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải xử lý theo quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị này; tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra chuyên ngành đối với hoạt động giao dịch, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, khẩn trương báo cáo khi phát hiện các vi phạm và xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.