Bộ Tài chính trả lời kiến nghị về nguồn thu từ XSKT, thu phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về nguồn thu từ xổ số kiến thiết (XSKT), thu phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông...
- Trước đây, kinh phí xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông do địa phương quản lý, sử dụng, nay rút về Trung ương; vì vậy, hoạt động của cấp xã hiện nay gặp khó khăn, không đủ chi cho hoạt động tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Đề nghị Chính phủ xem xét tăng cường nguồn kinh phí xử phạt về trật tự an toàn giao thông để lại nhất là ở cơ sở, điều tiết nguồn thu xử phạt theo tỷ lệ nhất định, phần còn lại để cho địa phương đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở địa phương;
- Về bố trí dự toán chi thường xuyên NSĐP năm 2017. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét bố trí thêm kinh phí đảm bảo an ninh - quốc phòng tuyến biên giới, do tình hình Campuchia hiện nay rất phức tạp, An Giang tiếp giáp Campuchia có đường biên giới dài (100 km), cần có nguồn kinh phí đảm bảo công tác quan hệ đối ngoại và phòng thủ;
- Kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm 2017), trong đó liên quan đến các nội dung về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSĐP.
Về vấn đề này, tại Công văn 1250/BTC-NSNN, ngày 24/01/2017, Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri như sau:
(1) Theo quy định của Luật NSNN năm 2015: thu từ hoạt động XSKT là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để thực hiện một số nhiệm vụ chi xác định. Ngày 11/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 27/2016/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó tại khoản 7, Điều 2, Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn các địa phương đưa nguồn thu từ hoạt động XSKT vào cân đối NSĐP và sử dụng toàn bộ nguồn thu này cho đầu tư phát triển do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, trong đó cần ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2309/QĐ-TTg ngày 29/11/2016 về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó tại điểm b, khoản 6, Điều 2 đã quy định: các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có tỉnh An Giang) bố trí tối thiểu 50% số thu dự toán từ hoạt động XSKT do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế.
Các địa phương bố trí tối thiểu 10% dự toán thu để bổ sung vốn cho các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Số thu còn lại (nếu có) bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của NSĐP. Từ tình hình trên, đề nghị tỉnh An Giang quản lý, sử dụng nguồn thu XSKT theo đúng quy định tại Nghị quyết số 27/2016/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 2309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Từ năm 2017, theo quy định khoản i Điều 35 Luật NSNN năm 2015: Tiền thu xử phạt vi phạm hành chính, phạt tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan trung ương thực hiện là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% đồng thời, tại điểm q, khoản 1, Điều 37 quy định: tiền thu xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện là khoản thu NSĐP được hưởng 100%. Theo đó, tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông do cơ quan trung ương xử phạt là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%; do cơ quan địa phương thực hiện là khoản thu NSĐP được hưởng 100%. Như vậy, khoản thu xử phạt an toàn giao thông của công an xã NSĐP được hưởng 100%.
Trong dự toán chi thường xuyên chi cân đối ngân sách địa phương năm 2016 của tỉnh An Giang đã bố trí kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các cơ quan ở địa phương; dự toán chi thường xuyên năm 2017 của tỉnh An Giang được xác định theo định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020) theo Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 ngày 04/10/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tăng 11,3% so với dự toán chi thường xuyên năm 2016 được Quốc hội quyết định.
Như vậy, kinh phí đã bố trí đảm bảo cho công tác an toàn giao thông của tỉnh An Giang. Vì vậy, đề nghị tỉnh An Giang thực hiện điều tiết khoản thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015.
3) Dự toán chi thường xuyên NSĐP năm 2017 (năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020), được xác định trên cơ sở Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH16 ngày 04/10/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017; trong đó, đã có tiêu chí bổ sung phân bổ chi quốc phòng, chi an ninh và chi khác ngân sách đối với các tỉnh có biên giới đất liền; theo đó, tỉnh An Giang đã được phân bổ thêm 55,44 tỷ đồng.
Vì vậy, đề nghị tỉnh An Giang sử dụng số kinh phí đã được phân bổ thêm nêu trên để thực hiện các nhiệm vụ chi quốc phòng, an ninh và quan hệ với các địa phương nước bạn.
(4) Ngay sau khi Luật ngân sách nhà nước được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các Luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, trong đó giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng 02 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và 08 Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước để trình cấp có thẩm quyền ban hành trong năm 2016; trong đó có Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước.
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, soạn thảo dự thảo các Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước; theo đó, Điều 15, 16 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP đã quy định về nguồn thu và nhiệm vụ chi của NSĐP.