Bộ Tài chính và IFC hợp tác nghiên cứu giải pháp phát triển thị trường vốn, quản lý nợ công

Trần Huyền

Chiều ngày 13/4/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà có cuộc làm việc với ông Alfonso Garcia Mora – Phó Chủ tịch Công ty tài chính quốc tế (IFC) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trao đổi về các nội dung hai bên cùng quan tâm và định hướng hợp tác trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Phó Chủ tịch IFC Alfonso Garcia Mora cùng các đại biểu dự cuộc làm việc.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Phó Chủ tịch IFC Alfonso Garcia Mora cùng các đại biểu dự cuộc làm việc.

Tham dự cuộc làm việc còn có ông Allen Forlemu - Giám đốc khu vực về lĩnh vực công nghiệp, Nhóm các Tổ chức Tài chính; ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia (Việt Nam, Campuchia, Lào) cùng các cán bộ thuộc IFC. Về phía Bộ Tài chính có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Alfonso Garcia Mora - Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương chúc mừng Bộ Tài chính Việt Nam đã có những "kết quả hết sức tuyệt vời" trong việc quản lý tài chính công và tài chính vĩ mô trong bối cảnh khó khăn thời gian qua.

Theo ông Alfonso Garcia Mora, vừa qua, các quốc gia trên thế giói đều có nợ công cao nhưng nợ công ở Việt Nam lại có chiều hướng giảm xuống, điển hình là tỷ lệ nợ công/GDP. "Đây là tiến bộ của Việt Nam so với các nước trên thế giới về vấn đề này." -  Phó Chủ tịch IFC Alfonso Garcia Mora nhấn mạnh.

Chia sẻ về lĩnh vực tài chính địa phương, Phó Chủ tịch IFC cho rằng, nên cho phép chính quyền địa phương tiến hành các khoản vay nước ngoài nhưng vẫn phải đảm bảo trách nhiệm giải trình, đảm bảo khoản vay phát huy hiệu quả tốt nhất. Theo đó, có thể nghiên cứu cho phép huy động qua chào bán riêng lẻ...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại cuộc làm việc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại cuộc làm việc.

Về phát triển thị trường vốn, ông Alfonso Garcia Mora cho biết, Việt Nam là một trong số ít quốc gia IFC muốn hỗ trợ phát triển thị trường vốn với sáng kiến thị trường vốn hỗn hợp. Theo đó, IFC mong muốn giúp đỡ Việt Nam thăng hạng từ nhóm thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để khai mở dòng vốn, quan trọng hơn là sự ghi nhận của quốc tế với Việt Nam.

Phó Chủ tịch IFC bày tỏ mong muốn hợp tác với Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước trong các vấn đề như: quy định điều kiện về tiền và chứng khoán trước khi giao dịch; xác định mô hình đối tác bù trừ trung tâm; thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài; chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; hỗ trợ các quỹ tín thác, đầu tư bất động sản...

Đánh giá cao những đề xuất của Phó Chủ tịch IFC, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, những nội dung này là những nội dung quan trọng với ngành Tài chính. Về khả năng vay nợ của chính quyền địa phương, Thứ trưởng thông tin, quy định Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách nhà nước cho phép cơ quan địa phương được vay nợ nhưng hiện tại địa phương không được tiếp cận trực tiếp vay vốn nước ngoài mà Chính phủ đi vay và cho địa phương vay lại.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính đang có chủ trương tiếp tục đánh giá tình hình thực hiện nợ công, trong đó có nợ chính quyền địa phương và xây dựng chiến lược nợ công đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045. Theo đó, Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục phối hợp với IFC đánh giá về cơ chế chính sách cũng như cách thức quản lý và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nhất.

Phó Chủ tịch IFC Alfonso Garcia Mora đánh giá cao công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính.
Phó Chủ tịch IFC Alfonso Garcia Mora đánh giá cao công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính.

Về thị trường vốn, Thứ trưởng cho biết, thị trường vốn đặc biệt là thị trường chứng khoán đến nay đã hình thành và phát triển hơn 20 năm đã đạt kết quả bước đầu quan trọng, ngày càng trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ xây dựng và báo cáo Chính phủ chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn xa hơn. Trong đó, có đề cập đến kế hoạch nâng hạng thị trường từ cận biên sang mới nổi, xác định lại những tiêu chí thị trường mới nổi và biện pháp đáp ứng tiêu chí và lộ trình thực hiện phù hợp.

Đối với các nội dung về kiểm soát tiền trước khi giao dịch, thanh toán đối tác bù trừ trung tâm, giới hạn sở hữu nước ngoài, phát hành chứng chỉ lưu ký cho nhà đầu tư không có quyền biểu quyết... là các vấn đề kỹ thuật quan trọng, tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững theo thông lệ quốc tế...

Thứ trưởng hoan nghênh các đề xuất và mong muốn IFC tiếp tục phối hợp, hỗ trợ để có đánh giá chuyên sâu về các vấn đề này và có những kiến nghị khả thi để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Đánh giá cao vai trò của IFC trong phát triển kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, trong giai đoạn tới, yêu cầu và nhiệm vụ của hệ thống tài chính ngày càng nặng nề, không chỉ cân đối nguồn lực thu, chi ngân sách mà còn tham gia ổn định vĩ mô, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện gói kích cầu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và các mục tiêu xa hơn về chống biến đối khí hậu, giảm phát thải nhà kính, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 về đưa phát thải nhà kính về 0. Đây là nội dung quan trọng đòi hỏi nguồn lực, kinh nghiệm và thể chế. Do đó, Thứ trưởng mong muốn IFC tiếp tục hỗ trợ Bộ Tài chính về vấn đề này.