Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức là đúng pháp luật
“Việc Bộ Tài chính mới đây có Công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thu ngân sách nhà nước từ cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại các ngân hàng BIDV, VietinBank là đúng theo quy định của pháp luật”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính yêu cầu BIDV, VietinBank trả cổ tức bằng tiền là can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp, “làm khó” các ngân hàng này, ông nghĩ sao?
Ông Đặng Quyết Tiến: Cần khẳng định là yêu cầu của Bộ Tài chính đưa ra hoàn toàn đúng luật, dựa trên các căn cứ pháp lý rõ ràng, chặt chẽ. Cụ thể, theo Nghị quyết 99/2015/QH13 của Quốc hội về giao dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 từ lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và số lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% là 55.000 tỷ đồng.
Mặt khác, Nghị định 57/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: việc phân chia phần lợi nhuận còn lại do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến NHNN và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại ĐHCĐ.
Mặt khác, Điều 48, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp quy định rõ: yêu cầu công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty… Luật cũng quy định: người đại diện phần vốn nhà nước phải thực hiện yêu cầu này.
Quy định của pháp luật rõ như vậy, nhưng vừa qua một số ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã tự quyết định hình thức phân chia lợi nhuận không đúng theo quy định của pháp luật, không thống nhất với Bộ Tài chính. Do đó, Bộ đã có văn bản đề nghị NHNN chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách nhà nước.
Giải pháp này của Bộ Tài chính là mang tính thị trường, chứ hoàn toàn không phải là can thiệp hành chính, vì với việc cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối tại hai ngân hàng này, hoàn toàn có đủ thẩm quyền bỏ phiếu để thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền tại ĐHCĐ. Vấn đề là các ngân hàng đã không tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp BIDV và VietinBank không ủng hộ yêu cầu của Bộ Tài chính thì sao?
Nếu BIDV và VietinBank không tuân thủ quy định của pháp luật về chia cổ tức, chúng tôi sẽ yêu cầu giải thích rõ ràng. Nếu giải trình đúng quy định của pháp luật, rõ ràng, đủ sức thuyết phục, chúng tôi sẽ đề xuất hướng xử lý thích hợp.
Trường hợp giải trình không thuyết phục, thì Bộ Tài chính đề nghị NHNN yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank thông qua triệu tập họp ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền để nộp vào ngân sách. Tôi tin là không chỉ cổ đông nhà nước, mà ngay cả các cổ đông ngoài nhà nước, khi đã đầu tư vốn vào doanh nghiệp, họ mong muốn nhận cổ tức bằng tiền.
Việc yêu cầu BIDV và VietinBank chia cổ tức có phải do thu ngân sách nhà nước đang khó, liệu tới đây có làm rộng ra với các doanh nghiệp khác để ngân sách có thêm nguồn thu, thưa ông?
Tôi khẳng định là các doanh nghiệp mà nhà nước đang đầu tư vốn lớn phải tuân thủ quy định của pháp luật về chia cổ tức bằng tiền để nộp vào ngân sách nhà nước. Việc thu này không liên quan đến việc thu ngân sách nhà nước có khó khăn hay không.
Chúng tôi hiểu các ngân hàng Việt Nam hiện có quy mô còn nhỏ, nên có nhu cầu để lại lợi nhuận để tăng vốn. Tuy nhiên, việc có tăng vốn hay không phải do đại diện phần vốn nhà nước tại các ngân hàng biểu quyết tại ĐHCĐ sau khi đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu là NHNN quyết định trên cơ sở có ý kiến của Bộ Tài chính.
Mặt khác, do phần lợi nhuận không cao so với vốn của các ngân hàng, nên tăng vốn bằng nguồn này không đáng kể và không căn cơ. Do đó, nếu nhà nước xét thấy cần thiết phải tăng vốn tại các ngân hàng, thì thực hiện bằng nhiều giải pháp căn cơ hơn, để tăng vốn mạnh hơn như: bán bớt phần vốn nhà nước; ngân hàng phát hành thêm cổ phần để tăng vốn…